Cách phát hiện cảnh sát thật giả

Lợi dụng việc mất cảnh giác của nạn nhân, một số đối tượng giả danh Cảnh sát để cướp, cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi này không những gây mất an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng uy tín của lực lượng Cảnh sát. Sau đây là cách phát hiện cảnh sát thật giả.

1. Đặc điểm thủ đoạn giả danh Công an, cảnh sát

Đối tượng giả danh Công an thường là người từng công tác trong ngành công an hoặc có quan hệ thân thiết với một số cán bộ, chiến sỹ Công an, có hiểu biết nhất định về một lĩnh vực công tác nào đó của lực lượng Công an.

Mục đích giả danh Công an của các đối tượng rất đa dạng, có thể chỉ vì muốn thể hiện, muốn được người khác nể trọng hơn, “oai” hơn, để được cán bộ, chiến sỹ Công an đang làm nhiệm vụ “thông cảm” hoặc nghiêm trọng hơn là lừa đảo chiếm đoạt “tình”, tài sản của nạn nhân.

Phương thức, thủ đoạn giả danh Công an rất đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp, thường là các phương thức thủ đoạn sau:

- Sử dụng quân trang, công cụ hỗ trợ, bảng hiệu, giấy tờ giả danh Công an.

Một số người có người thân làm trong ngành Công an thường xin, nhờ mua hoặc mua ngoài thị trường chợ đen quân trang, công cụ hỗ trợ của lực lượng CAND để sử dụng như: giày, tất, thắt lưng, mũ, còng, khóa còng… Thực ra, đây là thủ đoạn rất sơ đẳng và rất khó đánh lừa được cán bộ, chiến sỹ Công an, nhiều trường hợp đã bị xử lý nghiêm tuy nhiên, nhiều người dân vẫn bị lừa.

Hoặc, vì quan hệ cá nhân, một số cán bộ, chiến sĩ Công an đã đăng ký “Giấy ra vào cổng dùng cho xe ô tô” của các đơn vị CAND từ cấp tỉnh, cấp Cục, Bộ và đưa cho người thân sử dụng nhằm được lực lượng CSGT “thông cảm” khi bị xử lý vi phạm. Nghiêm trọng hơn, một số đối tượng làm giả hoặc nhờ làm giả thẻ ngành, công lệnh của lực lượng Công an để thể hiện cho “oai” hoặc thực hiện hành vi lừa đảo.

- Cố tình để “lộ” thông tin về lĩnh vực công tác Công an nhằm ám thị cho người khác biết mình là Công an.

Một số đối tượng tuy có hiểu biết rất hạn chế về lực lượng Công an nhưng luôn tự nhận mình là cán bộ, chiến sỹ Công an, ám thị cho người khác biết mình là Công an. Chẳng hạn, một người tham gia chương trình “Bạn muốn hẹn hò” của HTV7, khi được MC Quyền Linh hỏi về nghề nghiệp đã trả lời rất vô tư “Em công tác ở Phòng Công an TP. Bến Tre”. Nếu là người trong ngành Công an sẽ nhận ra ngay đây là thông tin giả tạo nhưng người dân nếu không có sự hiểu biết nhất định về lực lượng Công an sẽ rất khó nhận ra. Vì vậy, bạn gái kết bạn với người chơi này liên tiếp bị lừa và nghĩ rằng anh này là Công an thật vì những thông tin đại loại như: “Anh đang trực”, “Anh đang tham gia chuyên án”… Và vụ việc chỉ được làm rõ khi Công an tỉnh Bến Tre thẩm tra, xác minh về vụ việc.Số đối tượng khác, do có sự hiểu biết nhất định về ngành Công an vì đã từng công tác hoặc có người thân công tác trong ngành Công an nên có thể “tiết lộ” thông tin logic hơn, dễ chiếm được niềm tin của người khác hơn như: gọi điện cho bạn là người trong ngành Công an nói chuyện qua loa, lấp liếm; chụp hình chung với người là cán bộ, chiến sỹ Công an tỏ vẻ thân thiết; kể về một người hoặc một số người công tác trong ngành Công an để thể hiện sự hiểu biết, có quan hệ; thường xuyên sử dụng các thuật ngữ nghiệp vụ của ngành Công an; cố tỏ vẻ bí mật, nguy hiểm…

Cách phát hiện cảnh sát thật giả

2. Một số dấu hiệu cơ bản có thể nhận ra cảnh sát thật giả

- Không xuất trình hoặc đeo thẻ ngành, trả lời lúng túng về nơi công tác hoặc có thái độ thiếu tự tin khi xưng hô, giao tiếp.

- Khi gặp ai đó mặc sắc phục ngành công an đòi kiểm tra hành chính, khám xét hoặc yêu cầu làm việc khác, người dân nếu nghi ngờ có thể hỏi thêm về lý do kiểm tra, hoặc yêu cầu cho xem giấy tờ, thẻ ngành. Người giả mạo lực lượng công an hay lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu bình tĩnh của người dân để cưỡng đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Nếu Công an đến nhà đọc lệnh bắt hoặc khám xét nhà thì phải có đại diện VKSND và công an sở tại đi cùng. Ngoài ra, phải có thêm sự chứng kiến của đại diện tổ dân phố hoặc chính quyền địa phương

3. Cách nhận đối tượng giả danh Công an, cảnh sát

Để phát hiện hành vi giả danh Công an, người dân cần nhận biết các thủ đoạn giả danh Công an và vận dụng một số cách nhận biết thông qua quan sát. Đây là cách đơn giản nhất để phát hiện các đối tượng giả danh Công an.

Khi tiếp xúc với người có sử dụng trang phục (thường không đồng bộ, không đúng qui định), công cụ hỗ trợ, bảng hiệu, giấy tờ của ngành Công an… cần chú ý quan sát thái độ của họ.

Thông thường, cán bộ, chiến sỹ CAND (trừ lực lượng bắt buộc mặc quân phục khi làm nhiệm vụ) khi làm nhiệm vụ hoặc sinh hoạt thường ngày rất hiếm khi để lộ thân phận và cũng không cần thiết cố tình cho người khác biết mình là Công an, đơn giản vì họ là Công an thật nên không cần giả danh. Vì vậy, khi một người nào đó sử dụng quân trang, công cụ hỗ trợ, giấy tờ của ngành Công an… không đồng bộ, trong trường hợp không cần thiết đã là rất đáng nghi, đặc biệt khi họ cố tình để lộ ý định cho biết mình là Công an càng đáng nghi hơn.

Trong trường hợp này, chỉ cần quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế tác phong có thể phân biệt được họ là Công an thật hay giả. Đối tượng giả danh Công an luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ, cố tình “nhá” giấy tờ, thẻ ngành Công an cho người khác thấy. Công an thật không ai làm vậy.

Với những trường hợp này, nếu nhận thấy họ chỉ muốn thể hiện, khoe khoang, chưa có ý định lừa đảo rõ ràng cần phải cảnh giác hoặc nếu có cơ sở chắc chắn họ giả danh Công an có thể cảnh báo họ để vạch mặt, buộc họ chấm dứt hành vi giả danh Công an hoặc báo với cơ quan công an nơi gần nhất yêu cầu làm rõ nếu nhận thấy họ có dấu hiệu sử dụng công cụ hỗ trợ, giấy tờ của ngành Công an trái phép.

4. Nhận biết giả Cảnh sát giao thông

Đối với hành vi giả danh CSGT hoặc Cảnh sát khác để "xử phạt" vi phạm trật tự an toàn giao thông các bạn có thể nhận biết thông qua:

Theo quy định của Bộ Công an, việc tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông chủ yếu thuộc CSGT, ngoài ra có sự phối hợp của Cảnh sát trật tư, Công an phường, có địa phương có thêm Công an xã.

Dù là lực lượng Cảnh sát nào, tất cả đều phải mặc trang phục, đeo biển hiệu và khi thực hiện nhiệm vụ đều thực hiện theo tổ công tác từ vài người trở lên. Khi thực hiện kiểm tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, bắt buộc phải có CSGT (các lực lượng khác chỉ hỗ trợ) và chỉ kiểm tra tại các chốt theo kế hoạch (có xe ôtô, có giấy tờ phục vụ việc xử lý).

Theo quy định của Bộ Công an, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra, muốn dừng phương tiện để kiểm soát, xe của CSGT phải bật đèn tín hiệu, cán bộ chiến sĩ CSGT phải đứng ở vị trí công khai. Sau khi dừng phương tiện, cán bộ CSGT phải tuân thủ đầy đủ qui trình kiểm tra giấy tờ xe (đăng ký xe), người lái xe (bằng lái), an toàn kỹ thuật (giấy chứng nhận kiểm định), việc chở người, hàng hóa...

Khi lập chốt kiểm soát cố định trên đường phải đặt biển báo hiệu ở hai phía, ban đêm phải có đèn chiếu sáng để đảm bảo việc kiểm soát, xử lý một cách công khai, minh bạch.

Trong khi đó, các đối tượng giả danh CSGT để lừa "xử phạt", chiếm đoạt tài sản cũng có thể có trang phục giống CSGT nhưng thường đi một mình hoặc 2 người trên một xe gắn máy, đuổi theo người đi đường và ép họ đòi "kiểm tra giấy tờ". Các đối tượng thường ép chỗ vắng, hành vi vội vàng và không có biên lai, các hóa đơn tài chính xử phạt.

Theo quy định, việc lập biên bản người vi phạm giao thông chỉ thực hiện tại các chốt kiểm tra hoặc tại trụ sở làm việc chứ không phải đuổi theo vào ngõ ngách và lập biên bản bất cứ nơi đâu.

Từ đó, người đi đường hoàn toàn có thể cảnh giác, nhận diện đối tượng nếu bản thân mình điều khiển phương tiện giao thông không vi phạm hoặc nếu vi phạm nhưng không phải tại chốt kiểm tra. Chỉ trong trường hợp khi vượt qua chốt, không chấp hành mệnh lệnh, CSGT mới có thể đuổi theo để kiểm tra. Mọi trường hợp trong quá trình đi đường, bất ngờ có người ép xe (nhất là đoạn đường vắng, thời gian đêm khuya), dọa phạt tiền... người đi đường đều phải cảnh giác.

5. Nhận biết Cảnh sát hình sự giả, cảnh sát cơ động giả

Giả danh CSCĐ, CSHS để lừa đảo, cướp, cưỡng đoạt tài sản: Đối với CSCĐ, hiện chỉ thực hiện tuần tra tại các thành phố lớn vào ban đêm. Khi tuần tra, CSCĐ nhất thiết mặc trang phục riêng, đội mũ CSCĐ, đeo biển tên, có các công cụ hỗ trợ như dùi cui, súng, bộ đàm, thường một tổ tuần tra có 4 chiến sỹ, đi trên 2 phương tiện xe gắn máy.

CSCĐ có thể xử phạt người vi phạm giao thông. Riêng CSHS, quá trình thực hiện nhiệm vụ, họ có thể không mặc trang phục như các lực lượng nói trên. Tuy nhiên, CSHS khi không mặc trang phục, họ không có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát giao thông. Trong mọi trường hợp, nếu thực hiện biện pháp nghiệp vụ, phải mang theo thẻ và xuất trình khi thực hiện nhiệm vụ.

CSHS chỉ làm nhiệm vụ áp sát người đi đường, kiểm tra người và phương tiện khi người đó là đối tượng của vụ phạm pháp hình sự hoặc liên quan đến vụ phạm pháp đó, kể cả đối tượng truy nã. Do đó, trong mọi trường hợp, khi một công dân bình thường, không vi phạm pháp luật hình sự (trộm cắp, lừa đảo, cướp...) mà chỉ vi phạm pháp luật giao thông (không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, phóng nhanh...) thì không thể có chuyện CSHS ép xe để "hỏi thăm".

Nếu chưa có cơ sở xác định họ giả danh Công an, khi có nghi ngờ, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc các số điện thoại nóng được Công an địa phương công bố để các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý đối tượng vi phạm theo thẩm quyền. Cần chú ý đề cao cảnh giác, chỉ nghe họ nói, không làm theo họ.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 2.015
0 Bình luận
Sắp xếp theo