Các vấn đề về tiền lương trong doanh nghiệp

Các vấn đề về tiền lương trong doanh nghiệp

Những điều cần biết về tiền lương như: Lương có cần bảng chấm công đi kèm hay không? DN có bắt buộc thành lập công đoàn hay không? Các khoản phụ cấp chức danh trong doanh nghiệp, Quy định số ngày nghỉ phép của nhân viên,... Mời các bạn cùng tham khảo bài viết "Các vấn đề về tiền lương trong doanh nghiệp" dưới đây của Hoatieu.vn.

Các quy định về tiền lương cần biết:

Trả lương cho người lao động là một trong những nghĩa vụ cơ bản của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nguyên tắc, hình thức trả lương cũng như cách tính lương trong một số trường hợp còn gây ra nhiều nhầm lẫn cho doanh nghiệp. Vậy doanh nghiệp cần phải được tư vấn tiền lương một cách đầy đủ và chính xác nhất.

Theo quy định của Bộ luật Lao động, tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) trả cho người lao động (NLĐ) để thực hiện công việc theo thỏa thuận, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thể hiện trong hợp đồng lao động (HĐLĐ).

Dưới đây là một số quy định về tiền lương mà doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần nắm rõ:

Nguyên tắc trả lương

1. Mức lương của NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

2. Tiền lương trả cho NLĐ phải căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.

3. NSDLĐ phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với NLĐ làm công việc có giá trị như nhau.

4. NSDLĐ phải trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 1 tháng và NSDLĐ phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Việc NSDLĐ không trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn là một trong những căn cứ để NLĐ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

5. NSDLĐ không được dùng hình thức cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của NSDLĐ theo quy định.

Hình thức trả lương

Tiền lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng. NSDLĐ có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, theo sản phẩm hoặc khoán và phải duy trì trong một thời gian nhất định. Trường hợp thay đổi hình thức trả lương, NSDLĐ phải thông báo cho NLĐ biết trước ít nhất 10 ngày.

1. NLĐ hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Trường hợp NSDLĐ trả lương theo giờ, ngày, tuần thì phải trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.

2. Đối với hình thức trả lương theo sản phẩm và theo khoán, các bên sẽ tự thỏa thuận về thời hạn trả lương. Nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng. Cách tính tiền lương trong một số trường hợp cụ thể:

1. Tiền lương thử việc:

Tiền lương trong thời gian thử việc do NLĐ và NSDLĐ tự thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

2. Tiền lương làm thêm giờ:

Tiền lương làm thêm giờ của NLĐ được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a. Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b. Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c. Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương ngày.

3. Tiền lương làm việc vào ban đêm (được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau)

NLĐ làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

4. Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm:

NLĐ làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định về việc làm thêm giờ và làm việc vào ban đêm như nêu trên, NLĐ còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

5. Tiền lương trong thời gian ngừng việc

a. Trường hợp phải ngừng việc do lỗi của NSDLĐ thì NLĐ vẫn được trả đủ tiền lương.

b. Trường hợp do lỗi của NLĐ thì người đó không được trả lương; những NLĐ khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

c. Trường hợp vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của ai hoặc xảy ra nguyên nhân khách quan như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm,... hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

6. Tiền lương khi tạm thời chuyển đổi công việc

NSDLĐ được quyền tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của NLĐ. NLĐ được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

7. Tiền lương trong thời gian tạm đình chỉ công việc

Trong quá trình xác minh vi phạm của NLĐ để xem xét xử lý kỷ luật lao động, NSDLĐ có quyền tạm đình chỉ công việc của NLĐ. Trong thời gian này, NLĐ được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Trường hợp bị xử lý kỷ luật lao động thì NLĐ cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng. Nhưng nếu không bị xử lý kỷ luật lao động thì NSDLĐ phải trả đủ tiền lương cho NLĐ trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

8. Tiền lương trong trường hợp học nghề, tập nghề

Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được NSDLĐ trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.

9. Tiền lương trong trường hợp NLĐ nghỉ việc được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH)

Trong thời gian NLĐ nghỉ việc được hưởng chế độ BHXH, NSDLĐ không phải trả lương cho NLĐ. Đối với NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, NSDLĐ có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.

Có rất nhiều các câu hỏi liên quan tới tiền lương trong doanh nghiệp, HoaTieu.vn xin giới thiệu tới các bạn một số vấn đề quan trọng và tiêu biểu thường gặp qua các ví dụ dưới đây. Các bạn hãy lưu ý nhé:

Các vấn đề về tiền lương trong doanh nghiệp

Câu hỏi:

1/ Anh chị cho em hỏi em mới tiếp nhận công việc, nhưng từ 2011 đến giờ lương không có bảng chấm công đi kèm.

Theo em thấy trong hợp đồng thì với hợp đồng thử việc là lương khoán: 4.610.000

Hợp đồng chính thức: Lương căn bản: 2.200.000 còn trên bảng lương thì có Phụ cấp chức danh cho nhân viên nữa. Trong bảng lương có ghi 2 chỉ tiêu là ngày công thực tế và ngày công chuẩn rồi. Vậy bảng chấm công có bắt buộc phải có nữa không ạ?

2/ Công ty em tính cả giám đốc nữa hiện được 5 người vậy có bắt buộc thành lập công đoàn không ạ?

3/ Có quy định nào về Phụ cấp chức danh không ạ? Em thấy trên bảng lương có phụ cấp chức danh giám đốc là 800.000. Phụ cấp chức danh cho nhân viên thiết kế web 2.410.000 trong khi lương cơ bản là 2.200.000 như vậy có hợp lý không ạ?

4/ Số ngày nghỉ phép của nhân viên là 6 ngày/năm nhưng không quy định trong hợp đồng vậy có sai không ạ?

Trả lời:

Câu 1.

Tại điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 6/8/2015 sửa đổi bổ sung điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:

"1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt."

Căn cứ theo quy định trên, chi phí tiền lương để được tính vào chi phí được trừ thì doanh nghiệp cần có đầy đủ bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật, do đó bạn cần phải có bảng chấm công dùng để theo dõi thời gian làm việc của nhân viên từ đó làm căn cứ tính lương cho nhân viên.

Câu 2

Tại Điều 6 của Luật công đoàn số 12/2012/QH13 quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của công đoàn như sau:

6) Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ''

Điềm 2 điều 26 của thông tư này cũng quy định về tài chính công đoàn như sau: "Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;"

Theo các quy định trên, doanh nghiệp có thể thành lập công đoàn tại doanh nghiệp hoặc không thành lập nhưng vẫn phải đóng phí công đoàn.

Câu 3:

Phụ cấp chức danh: tùy thuộc vào chức vụ của nhân viên khác nhau sẽ có các khoản phụ cấp khác nhau và tùy thuộc vào công ty quy định (Tham khảo Công văn số 1381/TCT-TNCN ngày 24/04/2014 của Tổng cục thuế về các khoản phụ cấp).

Câu 4

Tại điều 11 của Luật lao động số 10/2012/QH13 quy định về nghỉ hàng năm như sau:

"1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành."

Theo quy định trên thì số ngày nghỉ hàng năm của người làm công việc trong điều kiện bình thường là 12 ngày, nếu số ngày nghỉ khác so với luật quy định phải ghi rõ trong hợp đồng.

Đánh giá bài viết
1 2.023
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo