Các bệnh nền nguy hiểm khi mắc Covid

Các bệnh nền nguy hiểm khi mắc Covid. Những người có bệnh nền khi mắc Covid sẽ nguy hiểm hơn những người khác. Những loại bệnh nền nào có sự "liên kết" chặt chẽ với Covid? Cùng Hoatieu.vn tìm hiểu nhé

1. Các bệnh nền nguy hiểm khi mắc Covid

Tỷ lệ biến chứng nặng và tử vong cao do COVID-19 thường gặp ở những bệnh nhân có bệnh lý nền như suy thận, tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường, bệnh gan, tai biến mạch máu não... đặc biệt nhất là các bệnh lý hô hấp

Những bệnh nền sau đây sẽ khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn khi mắc Covid-19:

  • Ung thư

Việc điều trị cho nhiều loại ung thư có thể khiến khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể quý vị bị yếu đi. Do đó khi dương tính Covid, người bệnh không còn sức lực để chống chọi lại bệnh tật

  • Bệnh hen suyễn

Khi SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, virus nguy hiểm này sẽ tàn phá hệ hô hấp của người nhiễm bệnh, tác động trực tiếp đến họng, mũi và nguy hiểm nhất là tổ chức phổi. Đặc biệt, đối với những người bị hen suyễn, SARS-CoV-2 có thể dẫn đến cơn hen và các vấn đề về phổi nghiêm trọng khác.

Theo một số nghiên cứu cho thấy bệnh hen suyễn không làm tăng khả năng nhiễm SARS-CoV-2, tuy nhiên, nếu người mắc hen suyễn bị nhiễm SARS-CoV-2, họ có thể gặp phải các biến chứng nặng hơn những người không bị hen suyễn rất nhiều.

Các bệnh nền nguy hiểm khi mắc Covid

  • Bệnh phổi mãn tính, bao gồm COPD (bệnh thuyên tắc phổi mãn tính), bệnh phổi kẽ, bệnh xơ nang và tăng huyết áp phổi

Covid là một loại virus đường hô hấp gắn vào các tế bào thông qua các protein được gọi là thụ thể ACE2. Các thụ thể ACE2 tồn tại với mật độ cao ở mũi, khí quản và đường hô hấp, nơi virus có thể xâm nhập gây bệnh. Ở một số người, virus có thể di chuyển sâu hơn vào phổi đến phế nang, nơi các thụ thể ACE2 cũng có mật độ lớn, gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính nghiêm trọng (ARDS) có khả năng đe dọa tính mạng. Do đó, những người mắc bệnh phổi mạn tính được coi là có nguy cơ cao mắc Covid

  • Tiểu đường (tuýp 1 hoặc tuýp 2):

Bệnh đái tháo đường typ 1 và 2 đều gây sự gia tăng bất thường lượng đường trong máu nếu không được kiểm soát. Đó là lý do chính khiến người mắc bệnh đái tháo đường có nhiều khả năng mắc COVID-19 và gặp phải tình trạng bệnh nặng hơn.

  • Bệnh tim (như suy tim, bệnh động mạnh vành, bệnh cơ tim hoặc cao huyết áp):

Các hệ thống hô hấp và tim mạch vốn đã được liên kết chặt chẽ với nhau. Nhiễm trùng đường hô hấp làm hạn chế lượng không khí đi vào phổi, tim phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo nguồn cung cấp oxy cho các cơ quan quan trọng của cơ thể. Ở những người đã mắc bệnh tim mạch từ trước, tăng gánh cho tim không chỉ làm cho tình trạng tăng huyết áp nghiêm trọng hơn mà còn có khả năng làm bộc phát cơn đau tim hoặc đột quỵ.

  • Bệnh gan:

COVID-19 có thể làm phức tạp bệnh gan có sẵn từ trước, bằng chứng là có tăng men gan, đặc biệt là aminotransferase - một dấu hiệu của viêm gan và làm xấu đi bệnh gan, bao gồm các bệnh gan do virus. Một số chuyên gia cho rằng nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm đường hô hấp nghiêm trọng, bao gồm kháng sinh, thuốc chống virus và steroid dùng trong điều trị COVID-19 gây hại cho tế bào gan.

  • Thừa cân và béo phì:

Béo phì có liên quan đến nhiều rối loạn sức khỏe, làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của COVID-19, bao gồm: Tăng huyết áp; Bệnh tim; Bệnh đái tháo đường típ 2; Bệnh gan nhiễm mỡ; Bệnh thận. Béo phì còn khiến miễn dịch bị suy giảm, một phần là do tình trạng viêm dai dẳng làm “trơ hóa” sự kích hoạt hệ thống miễn dịch. Điều này được chứng minh bằng tỷ lệ thất bại cao ở người béo phì khi đáp ứng với một số loại vaccin, bao gồm vaccin H1N1 và vaccin viêm gan B.

  • Bệnh thận:

Bệnh thận mãn tính (CKD) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong ở những người mắc COVID-19, những người chạy thận có nguy cơ cao nhất. Những người bị bệnh thận mạn tính tiến triển thường đã có sẵn suy giảm hệ thống miễn dịch, nhưng chức năng của phổi, tim và thận có liên quan đến nhau. Nếu viêm phổi nghiêm trọng, kéo theo thận cũng bị tổn thương nặng hơn.

  • Bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm hay tan máu bẩm sinh
  • Người có rối loạn thần kinh

Mặc dù không có trong danh sách các yếu tố nguy cơ của CDC, nhưng nhiều nhà khoa học đã lưu ý, một số rối loạn thần kinh nhất định, như bệnh đa xơ cứng, Parkinson hoặc rối loạn thần kinh vận động, có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của nhiễm COVID-19, do làm rối loạn phản xạ nuốt, giảm phản xạ ho hoặc gây suy yếu cơ hô hấp.

2. Tại sao người mắc bệnh nền lại trở nặng khi nhiễm Covid?

Những người đang có bệnh nền khi mắc Covid sẽ khiến bệnh tình nặng hơn, nguy hiểm đến tính mạng hơn những người không có bệnh nền. Nguyên nhân của điều này là gì?

Bệnh nền được chia ra làm 3 nhóm:

Nhóm 1: Nhóm chuyển hóa thường gây ra do tiểu đường và dư cân. Tiểu đường thường là tiểu đường tuýp II.

Nhóm 2: Nhóm bệnh lý về phổi như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính. Đó là 2 nhóm bệnh làm đường thở giảm khả năng vận chuyển của các lông chuyển, gây ho hen, ứ đàm… đây là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh sinh sôi, nảy nở.

Nhóm 3: Nhóm bệnh tim mạch như bệnh lý mạch vành, tim mãn tính với những người suy tim.

Cả ba nhóm: Chuyển hóa – phổi – tim mạch là nhóm bệnh nền. Tất cả những người mắc bệnh nền này đều phải thường xuyên uống thuốc. Bên cạnh đó, việc ít vận động khiến sức đề kháng giảm, cộng với bệnh nền sẵn có tạo điều kiện cho các yếu tố nguy hiểm dễ dàng tấn công.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh, những người mắc bệnh lý nền nếu mắc phải bệnh Covid-19 sẽ khiến bệnh diễn biến nặng hơn và diễn biến nguy kịch rất nhanh. Nhóm người mắc bệnh lý nền nói trên khi mắc Covid-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với các bệnh nhân khác. Trong giai đoạn này, đã có những bệnh nhân Covid-19 trên bệnh nền mãn tính phải sử dụng những biện pháp hỗ trợ hô hấp như ECMO, thở máy, thở oxy,...

Trên đây là Các bệnh nền nguy hiểm khi mắc Covid. Người có bệnh nền là những người có nguy cơ cao, do đó những người này phải đặc biệt bảo vệ bản thân, phòng ngừa khỏi lây nhiễm Covid. Ngoài các biện pháp phòng ngừa (thực hiện nguyên tắc 5K,...), người bệnh cần phải để ý kiểm soát bệnh nền của mình, mang theo thuốc của bệnh nền bên người để phòng những trường hợp cần thiết và nếu có thể thì tiêm đủ vaccine Covid để giảm thiểu khả năng mắc bệnh cũng như biến chứng nặng.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
1 1.573
0 Bình luận
Sắp xếp theo