Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ HĐND

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ HĐND là mẫu dùng để tổng kết lại tình hình hoạt động của HĐND các cấp và đưa ra định hướng cho nhiệm kì mới. Mời các bạn tham khảo và tải về.

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ hoạt động HĐND các cấp

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

TỈNH .............

Số: ..........

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

............., ngày ....tháng ....năm ...

BÁO CÁO

Tình hình hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh

từ đầu nhiệm kỳ .......... đến nay và định hướng hoạt động trong thời gian đến

A. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG HĐND CÁC CẤP TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ ĐẾN NAY

Nhiệm kỳ .........., HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh được tổ chức và hoạt động theo các quy định pháp luật mới (Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Tiếp công dân,...) đã nâng cao vai trò, vị trí của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương nhưng cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng. Những bất cập đó cần sớm được tháo gỡ để hoạt động HĐND các cấp ngày càng nâng cao về chất lượng, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

I. Về hoạt động của HĐND cấp tỉnh

1. Kỳ họp HĐND tỉnh

Kỳ họp HĐND tỉnh được chuẩn bị và tổ chức đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phương pháp tổ chức kỳ họp được đổi mới, chất lượng kỳ họp được nâng lên.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo gửi đến đại biểu HĐND tỉnh chậm so với quy định. Đặc biệt là trong kỳ họp thường lệ cuối năm, một số nội dung còn phụ thuộc tiến độ giao chỉ tiêu, kế hoạch của Trung ương nên chậm trễ trong việc hoàn chỉnh dự thảo, cũng như thẩm tra của các ban của HĐND và gửi tài liệu đến đại biểu. Việc này cũng diễn ra tương tự ở cấp huyện, cấp xã (do phụ thuộc số thu-chi ngân sách của năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách .........).

2. Hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh

Thường trực HĐND tỉnh duy trì đúng luật phiên họp thường kỳ hằng tháng. Bên cạnh đó, hằng tuần đều giao ban giữa Thường trực HĐND, lãnh đạo các ban và Văn phòng HĐND tỉnh nên công việc phát sinh giữa hai kỳ họp được giải quyết kịp thời. Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức tốt hoạt động giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề theo quy định. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức một số cuộc làm việc để ngheo UBND tỉnh và các ngành giải trình một số nội dung trước khi xem xét, quyết định theo thẩm quyền như việc nâng hệ số điều chỉnh giá đất, bổ sung quy hoạch khoáng sản, quyết định các dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất lúa đối với một số dự án,....

3. Hoạt động các ban của HĐND tỉnh

Các ban của HĐND tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình công tác năm, quý, tháng và chương trình giám sát, khảo sát phục vụ thẩm tra nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh; có nhiều nội dung giám sát, khảo sát chuyên sâu nhằm nắm chắc thông tin, tình hình để phục vụ công tác thẩm tra các đề án, dự thảo nghị quyết. Các báo cáo thẩm tra của các ban của HĐND tỉnh tỉnh trong các kỳ họp vừa qua đảm bảo chất lượng và tính phản biện cao.

Tuy vậy, việc tham gia các hoạt động của các ban của một số thành viên ban chưa thường xuyên, liên tục; một số thành viên ban chưa dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tham gia hoạt động giám sát, khảo sát thực tế nên việc đóng góp ý kiến thẩm tra các đề án, dự thảo nghị quyết, báo cáo còn hạn chế.

4. Hoạt động của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh

Các Tổ đại biểu HĐND tỉnh cơ bản duy trì tốt việc tổ chức cho các đại biểu tiếp xúc cử tri sau kỳ họp và họp tổ định kỳ hằng tháng theo quy chế hoạt động của HĐND tỉnh.

Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu chủ yếu được thể hiện thông qua công tác phối hợp cùng Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát của Thường trực, các ban. Bản thân nhiều Tổ đại biểu chưa tổ chức hoạt động giám sát do còn lúng túng quy trình, thủ tục tổ chức giám sát.

5. Hoạt động của các đại biểu HĐND tỉnh

Đại biểu HĐND tỉnh chấp hành tốt việc tham dự đầy đủ và đóng góp vào thành công của kỳ họp. Tuy vậy, một số đại biểu chưa tập trung đóng góp ý kiến đối với nội dung trình kỳ họp, chưa thể hiện rõ vai trò mỗi đại biểu trong tham gia thực hiện chức năng quyết định. Bên cạnh đó, đa số đại biểu HĐND tỉnh chưa sử dụng hình thức giám sát thông qua việc đặt câu hỏi chấn vấn tại kỳ họp cũng như trong thời gian giữa hai kỳ họp (tại các phiên họp Thường trực HĐND); đây cũng là tình trạng chung trong hoạt động của đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã.

Hoạt động tham mưu, phục vụ hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh khá thuận lợi do Văn phòng HĐND tỉnh được tổ chức độc lập, được đầu tư phương tiện và các điều kiện cần thiết, có đội ngũ cán bộ, công chức tương đối đảm bảo năng lực tham mưu, phục vụ.

6. Hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn thư, phản ảnh của công dân

Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, thành viên Thường trực HĐND, lãnh đạo các ban và đại biểu HĐND tỉnh đã chấp hành tốt việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Đơn thư, phản ánh của công dân gửi đến Thường trực HĐND tỉnh được xử lý kịp thời.

II. Hoạt động của HĐND cấp huyện

1. Kỳ họp HĐND huyện

Các kỳ họp của HĐND cấp huyện được chuẩn bị và tổ chức đảm bảo theo quy định của luật. Tuy vậy, một số địa phương vẫn còn ban hành một số nghị quyết theo tinh thần của luật cũ như Nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND huyện năm .......... hay nghị quyết về chương trình hoạt động của HĐND huyện, Nghị quyết về nhiệm vụ năm ..........…Trong khi đó theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật ban hành VBQPPL năm 2015 thì HĐND quyết định kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ, chương trình giám sát năm, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, không còn ban hành chương trình xây dựng văn bản QPPL. Bên cạnh đó, có huyện ban hành nghị quyết về quyết định chỉ tiêu biên chế công chức, sự nghiệp trong khi các quy định pháp luật không quy định thẩm quyền của HĐND huyện về vấn đề này.

2. Hoạt động của Thường trực HĐND cấp huyện

Một số địa phương duy trì tốt phiên họp Thường trực HĐND hằng tháng, giao ban giữa thường trực HĐND với các ban và Văn phòng HĐND. Tuy vậy, vẫn còn một số địa phương chưa tổ chức được phiên họp Thường trực HĐND. Các vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp HĐND chủ yếu là do lãnh đạo Thường trực HĐND (Chủ tịch, các Phó Chủ tịch) thống nhất qua trao đổi điện thoại, hội ý nhanh…để chỉ đạo Văn phòng HĐND – UBND ban hành văn bản trả lời, không thông qua tập thể Thường trực HĐND.

Hoạt động giám sát của Thường trực HĐND chưa được nhiều địa phương quan tâm do còn lúng túng về quy trình, thủ tục, lựa chọn vấn đề giám sát.

3. Hoạt động của các ban của HĐND cấp huyện

Nhân sự các ban của HĐND cấp huyện hầu hết đều là mới tham gia lần đầu nên đa phần còn lúng túng trong hoạt động; một số nơi thành viên Ban của HĐND cũng đồng thời là thành viên của UBND huyện mặc dù không trái quy định nhưng phần nào cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của thành viên Ban.

Thời gian qua, các ban của HĐND ở một số huyện, thị xã, thành phố đã phát huy được chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động thẩm tra của các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp nhưng một vài địa phương thực hiện nhiệm vụ này chất lượng chưa cao. Việc tổ chức giám sát, khảo sát phục vụ thẩm tra các nội dung trình kỳ họp chưa nhiều. Hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề cũng còn hạn chế.

4. Hoạt động của các Tổ đại biểu HĐND cấp huyện

Các Tổ đại biểu HĐND cấp huyện chủ yếu chỉ phát huy trong việc tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri sau kỳ họp; chưa tổ chức được các cuộc họp thường kỳ theo quy chế, hoạt động giám sát của Tổ còn lúng túng, hầu như chưa triển khai.

C5. ông tác tham mưu, phục vụ của Văn phòng HĐND – UBND

Ở cấp huyện, Văn phòng HĐND – UBND trực tiếp tham mưu phục vụ cho Thường trực HĐND cấp huyện nên cũng có mặt thuận lợi, cũng còn một số khó khăn.

Thuận lợi cơ bản là trong việc chuẩn bị nội dung trình kỳ họp, văn phòng vừa là người tham mưu nội dung, vừa là thư ký kỳ họp, vừa tham mưu chỉnh lý, hoàn chỉnh nghị quyết, báo cáo.

Tuy nhiên, khó khăn là nhân sự bố trí chuyên trách tham mưu, phục vụ hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các ban và đại biểu HĐND huyện còn mỏng. Hầu hết các Văn phòng bố trí 01 đồng chí Phó Văn phòng và 01 chuyên viên, nhưng cũng có nơi chuyên viên trực tiếp tham mưu giúp việc cho HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND còn kiêm nhiệm nhiều việc khác. Trong khi đó, cán bộ chuyên trách ở các ban mới tham gia vào hoạt động đại biểu, ban của HĐND nên việc xây dựng kế hoạch hoạt động của ban và tham gia đóng góp vào chương trình hoạt động của Thường trực HĐND còn hạn chế.

III. Hoạt động của HĐND cấp xã

Nhìn chung, HĐND cấp xã đã tổ chức các kỳ họp thường lệ theo quy định. Tuy nhiên, do nhân sự lãnh đạo HĐND, các ban HĐND hầu hết mới tham gia lần đầu, chưa được tập huấn kỹ năng công tác đại biểu nên việc tổ chức các kỳ họp còn lúng túng, có nơi thực hiện còn đơn giản. Hoạt động của Thường trực HĐND xã chưa rõ; các ban HĐND xã nhìn chung là chưa phát huy được chức năng, nhiệm vụ. Hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban, đại biểu HĐND xã còn ở mức độ mới tiếp cận (vừa làm vừa nghiên cứu, chủ yếu tham khảo cách làm của cấp trên), cá biệt có nơi chưa tiến hành.

1. Một số vấn đề khác:

  1. Ở cấp tỉnh, cấp huyện, thư ký kỳ họp do Văn phòng đảm nhận nên thuận lợi trong tổng hợp, hoàn chỉnh nội dung, tuy nhiên ở cấp xã chỉ có 01 công chức văn phòng thống kê vừa làm thư ký vừa phải lo các công việc phục vụ khác nên gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương đề nghị cho bầu thư ký kỳ họp ở cấp xã để giúp việc ghi chép diễn ra trong kỳ họp.
  2. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri (TXCT), tổng hợp ý kiến cử tri và trả lời ý kiến cử tri cũng còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, chưa có sự phối hợp giữa HĐND các cấp trong tổ chức TXCT; hình thức tổ chức TXCT còn đơn điệu, chưa thu hút được sự tham gia của cử tri; việc TXCT theo chuyên đề, nhóm đối tượng chưa được triển khai. Tổng hợp ý kiến cử tri còn nhầm lẫn về thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của các ngành, các cấp, chưa phản ánh đúng nội dung cử tri phản ánh. Việc trả lời ý kiến cử tri của các cơ quan chưa rõ về trách nhiệm, thời hạn giải quyết.
  3. Hiện nay, theo quy định của luật, không thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã nên gặp khó khăn trong công tác tổ chức tiếp xúc cử tri ở địa phương. Một số địa phương đề nghị cho thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã và vận dụng quy định về chế độ cho Tổ trưởng, Tổ phó tại Nghị quyết 102/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đang còn hiệu lực.
  4. Một số địa phương đã chủ động tổ chức tập huấn cho đại biểu HĐND huyện, xã ngay từ đầu nhiệm kỳ nhưng phần lớn các địa phương còn lại chưa triển khai (do phụ thuộc kế hoạch tổ chức của ngành nội vụ). Thời gian đến cần khẩn trương tổ chức tập huấn về kỹ năng công tác cho thành viên các ban của HĐND cấp huyện, cấp xã và Thường trực HĐND cấp xã.
  5. Về kinh phí hoạt động: so với thời gian trước việc phân bổ kinh phí cho hoạt động của HĐND xã thuận lợi hơn; một số địa phương đề nghị xem xét bổ sung kinh phí chi trang phục đại biểu HĐND xã vào năm đầu nhiệm kỳ.
  6. Văn phòng HĐND – UBND huyện còn lúng túng trong tham mưu ban hành các nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn trong xác định văn bản quy pháp pháp luật.

2. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TRONG THỜI GIAN ĐẾN

  1. Kiện toàn tổ chức, hoạt động Thường trực, Ban HĐND cấp huyện, xã theo đúng tinh thần Luật Tổ chức chính quyền địa phương; HĐND cấp huyện phải đảm bảo bầu đủ 02 Phó Chủ tịch, bố trí đủ cán bộ chuyên trách ở các ban (Trưởng hoặc phó ban); thành viên các ban không nên đồng thời là ủy viên UBND cùng cấp để tránh việc nể nang, xuôi chiều trong thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết do UBND trình.
  2. Đề nghị Thường trực HĐND, Ban HĐND cấp tỉnh, huyện quán triệt và triển khai nhiệm vụ theo quy định; trong đó cần duy trình theo luật định các phiên họp Thường trực HĐND, tổ chức các phiên giải trình giữa hai kỳ họp, tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề; bảo đảm làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số khi cho ý kiến về các vấn đề UBND cùng cấp đề nghị Thường trực HĐND cho ý kiến. Các ban của HĐND huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động khảo sát trên lĩnh vực phụ trách để có thông tin phục vụ hoạt động thẩm tra báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Tăng cường giám sát chuyên đề, phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu chuyên trách là trưởng/phó ban trong việc định hướng hoạt động của Ban, nâng cao trai trò, trách nhiệm các thành viên ban, duy trì việc họp ban định kỳ.
  3. Thường trực HĐND cấp huyện khẩn trương tổ chức tập huấn về kỹ năng công tác cho Thường trực, các ban của HĐND cấp xã; thường xuyên theo dõi và hướng dẫn hoạt động HĐND xã. Các ban của HĐND tỉnh tăng cường việc giao ban, trao đổi kinh nghiệm công tác với các ban của HĐND cấp huyện.
  4. Quán triệt và thực hiện nhiệm vụ của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND theo quy định, nhất là trong việc tiếp xúc cử tri, tham gia giám sát (xem xét báo cáo, chất vấn, tham gia các đoàn giám sát) và quyết định các nội dung trình kỳ họp; các Tổ đại biểu triển khai thực hiện chức năng giám sát theo quy định.
  5. Đổi mới và nâng cao chất lượng các cuộc TXCT và tổng hợp YKCT; cần nghiên cứu lồng ghép TXCT của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND cấp huyện và đại biểu HĐND cấp xã để giảm thời gian đi lại, tham dự của cử tri. Tại các hội nghị TXCT Chủ tịch UBND cấp huyện, xã phải lắng nghe và trả lời trực tiếp các phản ánh của cử tri theo thẩm quyền. Những vấn đề thuộc trách nhiệm của Trung ương, tỉnh các Tổ trưởng Tổ đại biểu có trách nhiệm tổng hợp YKCT gửi Thường trực HĐND tỉnh để chuyển đến UBND tỉnh trả lời, giải quyết hoặc đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội có ý kiến với các cơ quan Trung ương. Những hội nghị TXCT do Ban Thường trực UBMTTQ tổng hợp YKCT gửi Thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện phải được Tổ trưởng Tổ đại biểu cho ý kiến về nội dung trước khi gửi.
  6. Nội dung trả lời YKCT của UBND các cấp phải thể hiện rõ kết quả giải quyết theo thẩm quyền, không trả lời chung chung hoặc trả lời mang tính chỉ đạo, điều hành. Thường trực, các ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND các cấp tăng cường giám sát việc trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri.
  7. Chánh Văn phòng HĐND-UBND cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo công tác tham mưu, phục vụ hoạt động HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cấp huyện; phân công 01 Phó Văn phòng và ít nhất 01 chuyên viên chuyên trách tham mưu hoạt động HĐND cấp huyện.
  8. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND các huyện, thị xã, thành phố cập nhật, nghiên cứu Thông tư 01/........../TT-BKHĐT, ngày 14/02/.......... của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy trình lập kế hoạch đầu tư cấp xã thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trung hạn và hàng năm(gọitắt là kế hoạch đầu tư cấp xã) để chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền cấp xã tổ chức lập kế hoạch đầu tư đảm bảo theo quy định (hướng dẫn chi tiết đã gửi đến các đại biểu).

Trên đây là báo cáo khái quát về hình hình hoạt động HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ .......... đến nay và một số định hướng hoạt động trong thời gian đến. Kính báo cáo hội nghị./.

Nơi nhận:

- UBTVQH;

- Ban Công tác đại biểu – UBTVQH;

- Bộ Nội vụ;

- Đại biểu dự hội nghị;

- CPVP;

- Lưu VT, TH (Hiền).

TM. THƯỜNG TRỰC HĐND

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục thủ tục hành chính trong mục biểu mẫu nhé.

Đánh giá bài viết
2 1.044
0 Bình luận
Sắp xếp theo