Bản Hiến pháp được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 11 nhất trí thông qua

HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NĂM 1992

Bản hiến pháp Bản Hiến pháp được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 đã hết hiệu lực và hiện tại được thay thế bằng Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

LỜI NÓI ĐẦU

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.

Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Tiếp đó, suốt mấy chục năm, nhân dân các dân tộc nước ta đã liên tục chiến đấu, với sự giúp đỡ quý báu của bè bạn trên thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng, lập nên những chiến công oanh liệt, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân và đế quốc, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Ngày 2 tháng 7 năm 1976 Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã quyết định đổi tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ra sức xây dựng đất nước, kiên cường bảo vệ Tổ quốc đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế.

Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980.

Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam đề xướng đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Quốc hội quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới.

Hiến pháp này quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM - CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ

Điều 1

Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời.

Điều 2

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.

Điều 3

Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Đánh giá bài viết
3 6.952
0 Bình luận
Sắp xếp theo