Bài phát biểu về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi

Mẫu bài phát biểu về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi

Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một trong những công tác quan trọng giúp phát hiện và bồi dưỡng những mầm non tương lai cho đất nước. HoaTieu.vn xin giới thiệu tới các bạn Mẫu bài phát biểu về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, mời các bạn tham khảo.

Trường…………

BÁO CÁO THAM LUẬN TẠI HỘI NGHỊ CÁN BỘ CÔNG CHỨC ĐẦU NĂM HỌC

Một số vấn đề về bồi dưỡng học sinh giỏi

Kính thưa đoàn chủ tịch!

Thưa các vị đại biểu!

Thưa hội nghị!

Trong khoảng thời gian vừa qua hội nghị chúng ta đã được nghe 4 bản báo cáo do các đồng chí trong đoàn chủ tịch trình bày, cá nhân tôi hoàn toàn nhất trí với các nội dung báo cáo mà các đồng chí đã thông qua. Tuy nhiên để làm rõ hơn một số vấn đề trong nội dung các báo cáo. Theo chương trình của đại hội mà đoàn chủ tịch đã thông qua, tôi rất vinh dự được thay mặt cho một số giáo viên có thành tích trong việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội tuyển học sinh giỏi nhà trường trong năm học qua phát biểu đôi lời bày tỏ suy nghĩ của mình về những thành tích mà tôi cùng đồng nghiệp đã đạt được để hội nghị chúng ta cùng chia sẻ .

Kính thưa đoàn chủ tịch!

Thưa các bạn đồng nghiệp!

Trước khi trình bày cho phép tôi được thay mặt cho các đồng nghiệp có học sinh giỏi trong năm học vừa qua được cảm ơn các quý vị đại biểu, lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp, các bậc phụ huynh, đã tạo điều kiện quan tâm giúp đỡ chúng tôi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chúc các đại biểu mạnh khỏe, chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

Kính thưa hội nghị!

Người xưa đã từng nói: Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Vì vậy BDHSG là bước đi đầu tiên để tạo nên nhân tài cho đất nước và là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục nói chung trường ta nói riêng. Để làm tốt việc đó bản thân tôi đã cùng đồng nghệp ngay từ những ngày đầu đã xác định rõ mục tiêu BDHSG nhằm:

Một là: Phát triển phương pháp suy nghĩ ở trình độ cao phù hợp với kỹ năng trí tuệ của trẻ.

Hai là: Bồi dưỡng sự lao động, làm việc sáng tạo.

Ba là: Phát triển các kỹ năng, phương pháp và thái độ tự học suốt đời.

Bốn là: Nâng cao ý thức và khát vọng của trẻ về sự tự chịu trách nhiệm.

Năm là: Khuyến khích sự phát triển về lương tâm và ý thức trách nhiệm trong đóng góp xã hội.

Như chúng ta đã biết, để có học sinh giỏi đạt kết quả cao trong các kỳ thi do nhiều yếu tố: Tố chất học sinh, sự quan tâm của gia đình,nhà trường và xã hội, ý thức học tập của học sinh, việc bồi dưỡng và không ngoại trừ yếu tố may mắn. Tuy nhiên chúng ta không chỉ chờ đợi và cầu mong ở sự may mắn bởi vì yếu tố may mắn chỉ là một phần rất nhỏ. Phương ngôn có câu: "Trở thành nhân tài một phần do tài năng còn 99 phần là ở sự tôi luyện". Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải trang bị cho các em vững vàng kiến thức trước khi đi thi. Do vậy việc bồi dưỡng vẫn là yếu tố quan trọng hơn cả. Nhưng chúng ta cần bồi dưỡng học sinh giỏi những nội dung gì, bồi dưỡng như thế nào cho đạt hiệu quả? Điều đó quả là một vấn đề còn nan giải.

Qua một số năm bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi rút ra nột số kinh nghiệm nhỏ như sau:

1- Vai trò của người thầy:

Tục ngữ có câu: "Không thầy đố mày làm nên". Trước hết ta phải xác định rõ vai trò của người thầy là hết sức quan trọng. Bởi vì, người thầy có vai trò dẫn dắt học sinh.

Nếu học sinh có kiến thức cơ bản tốt, có tố chất thông minh, mà không được bồi dưỡng nâng cao tốt thì sẽ ít hiệu quả hoặc không có hiệu quả. Đồng thời giáo viên lại phải lựa chọn đúng đối tượng học sinh vào bồi dưỡng và phải tự soạn thảo chương trình, sưu tầm tài liệu bồi dưỡng một cách hợp lý, khoa học, sáng tạo.

2- Phát hiện và lựa chọn đúng đối tượng học sinh:

Cần tổ chức thi chọn lọc qua vài vòng loại để lựa chọn chính xác đối tượng học sinh vào bồi dưỡng.

Giáo viên cần đánh giá học sinh một cách khách quan, chính xác, không chỉ qua bài thi mà cả qua việc học tập bồi dưỡng hằng ngày. Việc lựa chọn đúng không chỉ nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, mà còn tránh bỏ sót học sinh giỏi và không bị quá sức đối với những em không có tố chất.

3- Xây dựng chương trình bồi dưỡng:

Hiện nay có rất nhiều sách nâng cao và các tài liệu tham khảo, Internet,... song chương trình bồi dưỡng chưa có sách hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng tiết, từng buổi học như trong chương trình chính khoá. Vì thế soạn thảo chương trình bồi dưỡng là một việc làm hết sức quan trọng và rất khó khăn nếu như chúng ta không có sự tham khảo, tìm tòi và chọn lọc tốt. Giáo viên cần soạn thảo nội dung bồi dưỡng dẫn dắt học sinh từ cái cơ bản của nội dung chương trình học chính khoá, tiến dần tới chương trình nâng cao (tức là trước hết phải khắc sâu kiến thức cơ bản của nội dung học chính khoá, từ đó vận dụng để mở rộng và nâng cao dần).

Cần soạn thảo chương trình theo vòng xoáy: Từ cơ bản tới nâng cao, từ đơn giản tới phức tạp. Đồng thời cũng phải có ôn tập củng cố.

Ví dụ: Cứ sau 2, 3 tiết củng cố kiến thức cơ bản và nâng cao thì cần có một tiết luyện tập để củng cố kiến thức; và cứ sau 5, 6 tiết thì cần có một tiết ôn tập để củng cố khắc sâu. Cần soạn thảo một tiết học có:

- Kiến thức cần truyền đạt (lý thuyết, ví dụ, ...).

- Bài tập vận dụng.

- Bài tập về nhà luyện thêm (tương tự bài ở lớp).

Không nên xây dựng chương trình như sách nâng cao hiện nay vì như thế học sinh khó nắm chắc, dễ nhầm lẫn. Mặt khác trong sách nâng cao có một số bài quá khó đối với học sinh.

Một số giờ ôn tập, Giáo viên cần giúp các em tổng hợp các dạng bài, các phương pháp giải theo hệ thống. Vì hầu hết các em chưa tự mình hệ thống đựơc mà đòi hỏi phải có sự trợ giúp của giáo viên.

Điều cần thiết, giáo viên cần đầu tư nhiều thời gian, tham khảo nhiều tài liệu để đúc rút, soạn thảo cô đọng nội dung chương trình bồi dưỡng. Tôi mất nhiều thời gian để sưu tầm và tìm mua tài liệu có nội dung kiến thức phù hợp với học sinh.

Cần lưu ý rằng: Tuỳ thuộc vào thời gian bồi dưỡng, khả năng tiếp thu của học sinh mà lựa chọn mức độ bài khó và từng dạng luyện tập nhiều hay ít.

4- Dạy như thế nào cho đạt hiệu quả:

Trước hết cần chọn lọc những phương pháp giải dễ hiểu nhất để hướng dẫn học sinh, không nên máy móc theo các sách giải.

Cần vận dụng đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với nội dung từng bài; phát huy tính tích cực, độc lâp, tự giác của học sinh; tôn trọng và khích lệ những sáng tạo của học sinh.

Những bài hướng dẫn kiến thức mới, giáo viên cần lấy ví dụ và ra bài tập mang tính chất vui chơi để gây hứng thú học tập cho học sinh đồng thời giúp các em ghi nhớ được tốt hơn.

Ví dụ: Ra bài toán vui, bài toán là một bài thơ, bài toán lấy tên học sinh, hay đáp số là ngày tháng có ý nghĩa, đáng ghi nhớ (như các ngày lễ lớn, ngày thi,...).

Tuy nhiên,những bài toán như thế, giáo viên cần phải tìm hiểu kỹ, thử và kiểm tra kết quả nhiều lần.

Hầu hết các bài toán hoặc tiếng việt.… giáo viên chỉ nên gợi mở để học sinh tìm tòi ra cách giải; không nên giải cho học sinh hoàn toàn hoặc để các em bó tay rồi chữa.

Ngựợc lại, khi chữa bài giáo viên lại phải giải một cách chi tiết (không nên giải tắt) để gúp học sinh hiểu sâu sắc bài toán; đặc biệt là những bài toán khó những bài học sinh sai sót nhiều. Đồng thời uốn nắn những sai sót và chấn chỉnh cách trình bày của học sinh một cách kịp thời.

Tóm lại:

Qua những năm bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi nhận thấy rằng người thầy cần không ngừng học hỏi và tự học hỏi để nâng cao trình độ đúc rút kinh nghiệm, thường xuyên xây dựng, bổ sung chương trình và sáng tạo trong phương pháp giảng dạy.

Như vậy, để đưa con thuyền đến bến bờ vinh quang thì vai trò của người cầm lái thật vô cùng quan trọng.

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể hội nghị!

Trên đây là một số kinh nghịêm nhỏ của tôi mà bản thân tôi đã áp dụng và thu dược kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, chắc hẳn vẫn chưa phải là tối ưu, xin đưa ra để đồng nghiệp tham khảo, vận dụng và góp thêm ý kiến.

Vì thời gian có hạn trước khi dừng lời một lần nữa cho phép tôi được chúc sức khỏe quý vị đại biểu, chúc năm học……….. có nhiều học sinh giỏi.

Xin cảm ơn ./.

Đánh giá bài viết
2 4.903
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo