Bài dự thi viết về bảo vệ môi trường 2024

Cuộc thi viết về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội lần thứ III nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và lan tỏa tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường Thành phố.

Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 31/8/2023 (theo dấu bưu điện hoặc thời gian thư đến đối với thư điện tử) là các tác phẩm đã đăng trên báo Kinh tế và Đô thị, các báo T.Ư, Hà Nội và các địa phương từ 1/7/2022- 31/8/2023.

Hướng dẫn viết bài dự thi về bảo vệ môi trường

Đề tài bài dự thi viết về bảo vệ môi trường khá đa dạng, bạn đọc có thể lựa chọn viết về chủ đề tôn vinh những kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến, ý tưởng hữu ích, cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường trong các ban ngành, địa phương, thông qua các tác phẩm báo chí, truyền thông.

Để bài bài dự thi bảo vệ môi trường được đánh giá cao về nội dung, các bạn nên lưu ý về các tiêu chí sau:

  • Một là, tập trung tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường nói chung và trong các ngành nghề nói riêng; nhất là những chủ trương, chính sách mới về phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, phòng chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện các cam kết quốc tế. Đồng thời phản ánh những thành tựu đạt được và những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường của nhà nước, chỉ ra nguyên nhân (nhất là nguyên nhân chủ quan), từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững,
  • Hai là, phát hiện, biểu dương các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và cá nhân có nhiều cống hiến, thành tích và nỗ lực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hữu ích, góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị về những nỗ lực của Đảng, Nhà nước.
  • Ba là, phổ biến kiến thức, giới thiệu công nghệ tiên tiến, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường các ngành nghề, lĩnh vực; chia sẻ các mô hình hay, kinh nghiệm quý trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng.

1. Bài dự thi viết về bảo vệ môi trường số 1

Cuộc sống của con người chúng ta hiện nay đang ngày càng được cải thiện và nâng cao cùng với sự phát triển của xã hội, tuy nhiên, chúng ta mới chỉ quan tâm đến sự phát triển mà chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của môi trường và bảo vệ môi trường đối với cuộc sống. Môi trường sống là nơi con người sinh ra, tồn tại và phát triển, gắn liền với tất cả các hoạt động sống của con người, môi trường có tốt thì cuộc sống của con người mới được đảm bảo, vì vậy bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Môi trường theo định nghĩa khoa học là "Một tổ hợp các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh bên ngoài của một hệ thống hoặc một cá thể, sự vật nào đó. Chúng tác động lên hệ thống này và xác định xu hướng và tình trạng tồn tại của nó". Theo cách hiểu nôm na, môi trường là không gian sống của con người và sinh vật; môi trường sống của con người là toàn bộ những không gian tự nhiên, nhân tạo xung quanh chúng ta cung cấp các yếu tố tối thiểu phục vụ cuộc sống. Mọi sự thay đổi của môi trường đều ảnh hưởng trực tiếp đến con người và mọi tác động của con người cũng ảnh hưởng ngược trở lại môi trường. Môi trường mang lại cho chúng ta bầu không khí để thở và duy trì sự sống, mang lại không gian sinh sống và làm việc cho các hoạt động sống, sản xuất.

Môi trường tạo ra những nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu cho sinh hoạt và sản xuất của con người, bên cạnh đó lại là nơi chứa đựng và đồng hóa mọi chất thải từ hoạt động của con người. Tuy nhiên, cũng chính vì phục vụ cho con người quá nhiều mà con người lại không bảo vệ nên môi trường ngày càng suy thoái và ô nhiễm. Khi môi trường bị ô nhiễm, đặc biệt là môi trường đất, nước, không khí, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, bầu không khí ô nhiễm, nguồn nước bẩn, đất nhiễm hóa chất, tất cả đều không thể phục vụ cuộc sống.

Bên cạnh đó, khi môi trường suy thoái đi sẽ mất đi nguồn nguyên liệu cho sản xuất, nền kinh tế khó phát triển. Nguy hại hơn đó là khi môi trường đã không còn khả năng chứa đựng và đồng hóa chất chải của con người, nghĩa là con người đã thải ra môi trường quá mức, vượt quá giới hạn của môi trường, sẽ dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái.

Nhận thức rõ ràng được tác hại của việc ô nhiễm môi trường và tầm quan trọng của việc phải bảo vệ môi trường, con người chúng ta hãy ý thức gìn giữ môi trường, sử dụng tài nguyên hợp lý, xử lý chất thải trước khi đưa ra ngoài môi trường, nghiêm cấm các hoạt động làm ô nhiễm môi trường. Môi trường chính là mái nhà chung của con người, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ ngôi nhà của chúng ta, nếu không bảo vệ chúng ta sẽ tự hủy hoại đi ngôi nhà của mình và rồi sẽ không còn nhà để ở, để tồn tại và sinh sống.

Như vậy, môi trường thực sự rất quan trọng đối với cuộc sống của con người, không chỉ mang tính ảnh hưởng, môi trường là nhân tố quyết định đến sự sống còn của loài người. Chất lượng môi trường sẽ phản ánh chất lượng cuộc sống và tương lai của con người, vì vậy hãy chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Bài dự thi viết về bảo vệ môi trường

2. Bài dự thi viết về bảo vệ môi trường số 2

Thủ đô Hà Nội với số dân đứng thứ 2 toàn quốc, những năm qua luôn duy trì sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, nhưng kèm theo đó là không ít thách thức, trong đó có vấn đề môi trường. Đã có nhiều biện pháp được xem xét, đưa ra thực hiện để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân, tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng chắc sẽ khó thành công.

Nguồn phát thải bụi

Trong năm 2020, Hà Nội nhiều lần được nhắc đến như một trong những TP ô nhiễm nhất thế giới. Nguyên nhân phần lớn do từ sau khi Hà Nội chú trọng phát triển công nghiệp, thu hút nhiều công ty, nhà máy từ trong và ngoài nước, thì chất lượng không khí, chất lượng nước, chất thải rắn trở nên ô nhiễm trầm trọng. Đáng kể nhất phải nói đến là ô nhiễm không khí. Theo điều tra, tại các vùng, cụm nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận chỉ số chất lượng không khí cao vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 2,5 - 4,5 lần, những khu vực như Văn Điển, Pháp Vân, Mai Động… có chỉ số nồng độ bụi cao. Ô nhiễm không khí do bụi phần lớn còn do số lượng xe cộ quá tải tại TP Hà Nội. Dân số tại Hà Nội hiện nay khoảng hơn 8 triệu người, số lượng xe máy, ô tô, xe tải… tính riêng cho mỗi hộ gia đình rất cao do mức sống trên trung bình của đa số dân cư . Điều này rất dễ nhận thấy khi hiện tượng ùn tắc xảy ra liên tục trong ngày bất kể thời điểm. Không những thế, một lượng bụi khá lớn từ những công trình xây dựng hay những công trình đang được phá dỡ cũng đóng góp đáng kể vào tổng lượng bụi trên toàn TP.

Thêm một nguồn phát thải bụi mà rất ít người dân để ý nhưng hiện hữu ngay bên cạnh chúng ta đó chính là từ rơm rạ, rác, đun bếp than tổ ong. Người dân có thói quen đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch để làm mùn, làm phân bón hoặc để đỡ tốn diện tích. Vào những tháng cuối năm, hiện tượng nhiều cột khói nghi ngút lại xuất hiện, đặc biệt ở những khu vực ven đô như Đông Anh, Mê Linh… Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí nên nhiều chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống ven đường đun bếp than tổ ong. Theo một kết quả thống kê trước đây, Hà Nội là nơi có lượng tiêu thụ than tổ ong trong nhóm cao nhất cả nước với hơn 528 tấn mỗi ngày. Điều này dẫn đến lượng CO2 thải ra rất lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe về lâu dài cho người dân, đó là chưa kể đến do lượng tạp chất được pha trộn bên trong làm than tổ ong dễ cháy hơn, gia tăng khả năng gây nguy hiểm cho người sử dụng. Người dân do thiếu hiểu biết nên chưa nhận thức được những hành động này sẽ gây nên nhiều hệ lụy cho bản thân và xã hội. Những chất độc ô nhiễm như bụi, CO2, kim loại, dioxin,… sẽ dễ xuất hiện khi đốt vật liệu cháy ngoài không khí và ở nhiệt độ thấp. Lúc này, khả năng cao gây nên nhiều bệnh về đường hô hấp như bệnh phổi, bệnh về tai mũi họng, bệnh tim mạch hay nghiêm trọng hơn là ung thư.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Đến ô nhiễm nguồn nước

Ngoài ô nhiễm không khí, tại Hà Nội còn ô nhiễm nước. Đây đang là một vấn đề gây nhức nhối và ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Khoảng tháng 10/2019, một số hộ dân xuất hiện hiện tượng nước máy tại gia đình có màu lạ đi kèm với mùi hôi, tanh. Điều này gây nên nhiều sự hoang mang không dám sử dụng cũng như sự lo sợ cho sức khỏe của gia đình. Theo đó, chính quyền TP đã thông báo nguyên nhân gây nên hiện trạng này do sự tràn dầu ra một con suối dẫn đến dầu chảy vào hồ chứa của Công ty nước Sông Đà, Hòa Bình.

Một ví dụ trên để cho thấy ô nhiễm nguồn nước sạch sinh hoạt tại Hà Nội không thể không xảy ra. Theo điều tra khảo sát, hai nguồn chủ yếu gây nên ô nhiễm nguồn nước tại TP do chất thải sinh hoạt và do nước thải từ nhà máy, khu công nghiệp. Theo báo cáo của Bộ TN&MT, người dân toàn TP Hà Nội thải ra hơn 300.000 tấn nước thải bao gồm nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp. Qua xử lý phân tích cho thấy, trong nước có rất nhiều thành phần độc hại, như chất thải hữu cơ, dầu mỡ, chất độc kim loại nặng như chì, thủy ngân, sắt… Điều này đa số do hệ thống cấp thoát nước chưa đạt chất lượng và hoạt động chưa tối ưu. Ngoài ra còn phải kể đến sự tắc trách trong làm việc của nhiều công ty, xí nghiệp khi không chịu chú trọng đầu tư hệ thống xử lý rác thải.

Mỗi người hãy tự nâng cao ý thức, trách nhiệm

Khi đô thị hóa ngày càng cao nhưng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt thải ra môi trường mà không xử lý nhanh và triệt để sẽ gây nên ứ đọng trong việc thoát nước. Đặc biệt, khi những khu công nghiệp không quan tâm đến vấn đề môi trường mà chỉ chú trọng kinh doanh thì khả năng cao họ lơ là công tác xử lý nước thải và rác thải. Do đó, nước thải khi thải ra sông hồ là nước thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đúng quy cách, gây ảnh hưởng đến chất lượng nước tại các sông, hồ. Chất thải rắn từ sinh hoạt của người dân cũng là một yếu tố lớn ảnh hưởng đến nguồn nước tại đây. Rác thải bị vứt bừa bãi, ứ đọng tại sông ngòi tạo nên những núi rác gây nên khó khăn cho những công ty vệ sinh môi trường, công ty rác thải trong quá trình xử lý.

Có thể nói, con người góp phần không nhỏ tạo nên sự ô nhiễm tại chính nơi mình sinh sống. Vì thế, chỉ cần mỗi người dân tự xây dựng tính tự giác, biết yêu quý và bảo vệ môi trường, hãy thôi đốt than tổ ong, đốt rơm rạ, thải rác đúng quy định… Mỗi công ty, xí nghiệp, những cơ quan chức trách có thẩm quyền cần hiện thực hóa những hành động không chỉ truyền miệng bằng mà cả những biện pháp cứng rắn, đề cao chú trọng nâng cao chất lượng kinh doanh và phát triển bền vững hơn… Chắc chắn rằng, những hiện trạng đáng báo động về ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng giảm.

Đây đều là những điều rất dễ để nói cũng như truyền miệng, nhưng hiện thực hóa quả không dễ dàng. Vì thế, bảo vệ môi trường Hà Nội không chỉ của một vài cơ quan hữu trách mà phải cần đến sự đồng lòng, kiên trì của toàn xã hội mới gây dựng TP Hà Nội thân yêu ngày càng tươi đẹp hơn cho thế hệ mai sau.

3. Bài dự thi viết về bảo vệ môi trường số 3

Môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của cộng đồng nhưng hiện nay môi trường đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng do chính bàn tay của con người. Vì vậy mỗi chúng ta cần ý thức và hiểu được rằng: bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Môi trường là tất cả những gì ở xung quanh chúng ta và rất thân thiện gần gũi với chúng ta. Môi trường bao gồm: môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Môi trường tự nhiên bao gồm: đất đai, sông ngòi, không khí, cây cối, động thực vật,……Môi trường nhân tạo là do con người tạo nên như đường xá, nhà máy, xí nghiệp,… Tất cả những vấn đề trên đều có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người.

Thật vậy! Môi trường có một mối quan hệ mật thiết tới cuộc sống con người. Những cánh rừng bạt ngàn như những lá phổi xanh khổng lồ đem lại bầu không khí trong lành cho con người. Không những thế rừng còn che chắn bão lũ, là nơi trú ngụ của những loài động vật quý hiếm. Vậy mà giờ đây rừng đang bị chính bàn tay con người tàn phá một cách không thương tiếc dẫn đến thiên tai, lũ lụt xảy ra ngày càng nghiêm trọng dẫn đến bao cảnh đau lòng.

Mặt khác nguồn nước cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các chất thải từ các nhà máy dẫn đến cá chết hàng loạt nguồn nước sinh hoạt không được đảm bảo dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm cho con người. Ở các thành phố lớn dân cư đông đường xá cầu cống xuống cấp lượng xe cộ nhiều nên không khí cũng bị ô nhiễm nặng tai nạn giao thông ngày càng nhiều đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng. Ở nông thôn, do hình thức và trình độ hiểu biết của người dân chưa cao nên sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu không có hiệu quả. Từ những vấn đề nêu trên đã giúp chúng ta hiểu rõ môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng nói chung và sự sống của con người nói riêng. Từng ngày từng giờ môi trường đang lên tiếng kêu cứu.

Vậy mỗi chúng ta phải làm gì để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta? Có rất nhiều biện pháp để giữ gìn môi trường xanh - sạch đẹp. Là học sinh, chúng ta có thể cùng chung tay trồng cây, gây rừng, trồng cây quanh khu vực sinh sống. Hàng ngày, chúng ta và người thân hãy cùng nhau thu gom rác thải, đổ rác đúng nơi quy định, tái chế rác thải, xử lí chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường. Bên cạnh đó, chúng ta nên tích cực hưởng ứng ngày môi trường thế giới. Nhà nước nên ra những bộ luật hạn chế lượng khí CO2 thải ra trong ngành công nghiệp; hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu và rất nhiều biện pháp hữu hiệu khác để cùng nhau bảo vệ ngôi nhà chung của chúng mình.

Tóm lại môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Vậy nên chúng ta phải có ý thức giữ gìn môi trường sống. Là học sinh chúng ta hãy có ý thức trồng thêm cây xanh, giữ gìn vệ sinh trường lớp. Làm được như vậy là chúng ta đã góp phần bảo vệ được cuộc sống của chính mình.

Đổ rác đúng nơi quy định
Đổ rác đúng nơi quy định

4. Bài dự thi bảo vệ môi trường số 3: Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường từ mỗi người dân

Chúng ta đều đang sinh sống, đang học tập và làm việc chung trong một hệ sinh thái lớn nhất là trái đất. Đó là nơi chúng ta được sinh ra, là quê hương gắn liền với bao kí ức ngọc ngà. Vậy mà giờ đây trái đất đang chết dần chết mòn bởi tác hại của ô nhiễm môi trường, nhiều khu vực đã lên đến mức báo động về ô nhiễm môi trường, bệnh dịch ngày càng trở nên nghiêm trọng bởi ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường mà nguyên nhân chính gây lên lại là con người.

Nếu chúng ta không kịp thời thức tỉnh, suy nghĩ trước những hành động bừa bãi đầy tai hại của mình thì một ngày nào đó nhân loại sẽ phải đối mặt với nguy cơ diệt vong. Thật vậy, đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ lá phổi xanh đang hấp hối trên lưỡi hái tử thần.

Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của môi trường sống với cuộc sống của chúng ta, trước hết, ta cần hiểu về khái niệm của môi trường sống? Vậy môi trường sống là gì, nó bao gồm những gì mà có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chúng ta đến thế? Câu trả lời thật sự đơn giản bởi môi trường sống là toàn bộ những gì đang có mặt xung quanh chúng ta, môi trường sống không chỉ hiểu đơn giản là nhà cửa, công ty nơi chúng ta làm việc mà nó còn bao gồm các yếu tố cung cấp nguồn sống cho chúng ta như đất, nước, không khí, sinh vật,.. Môi trường sống cung cấp cho chúng ta đầy đủ về mặt vật chất, thức ăn, nhà cửa, cây cối,...tất cả đều bao gồm trong môi trường sống. Để có thể tồn tại được thì mỗi giây mỗi phút chúng ta đều cần sử dụng đến môi trường sống.

Môi trường sống rất quan trọng với con người nhưng hiện nay nó đang bị tổn hại nặng nề bởi sự thờ ơ, vô tâm của một số cá nhân, tổ chức. Tất cả nguyên nhân đều bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm nhằm thu về lợi nhuận cho mình, các công ty xả thẳng nước thải chưa qua xử lí ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước, nước thải sinh hoạt, rác thải được đổ thẳng ra sông, biển mà không được thu gom. Hơn thế nữa việc đô thị hóa cũng ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng môi trường. Khói bụi từ phương tiện giao thông, khí thải đầy độc hại được thải ra qua ống khói của những nhà máy, cây cối- thứ được coi là lá phổi xanh của trái đất cũng dần bị chặt phá để lấy đất quy hoạch, cây bị chặt làm nguyên liệu xây dựng, sản xuất giấy,... Cứ thế, cứ thế môi trường sống của chúng ta đang xuống cấp đến mức báo động.

Khói bụi từ phương tiện giao thông, khí thải từ các nhà máy công nghiệp khiến cho bầu không khí trở nên ô nhiễm, nước thải, rác thải chưa qua xử lí làm ô nhiễm nguồn nước, việc không xử lí rác thải nông nghiệp như thuốc trừ sâu, phân hóa học sử dụng tràn lan cũng làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước. Ô nhiễm lại càng thêm ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu dẫn đến mưa nắng bất thường, nhiệt độ tăng cao, mưa axit phá hủy thảm thực vật đang nỗ lực làm việc để cứu lấy bầu không khí, băng ở hai cực tan ra, động đất, sóng thần và các thảm họa thiên nhiên khác cũng lần lượt xuất hiện cướp đi mạng sống của bao nhiêu người. Nhiều người trong chúng ta vẫn thường oán trách thiên nhiên thất thường làm tổn hại đến con người nhưng bản thân họ cũng không hiểu được rằng chính chúng ta mới đang là người làm biến đổi thiên nhiên, chính chúng ta đang bóp nghẹt sự sống của mình, đang tự gieo rắc mầm mống chết chóc, bệnh tật.

Nói đến tác hại của ô nhiễm môi trường thì không thể không nói đến ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người. Chúng ta sống và làm việc thì cần oxi để thở, nhưng liệu bạn có chắc rằng các cơ quan hô hấp của mình đang không làm việc quá sức để thanh lọc CO2, N2,...và các chất độc có trong không khí để cung cấp đủ dưỡng khí giúp các phần khác của cơ thể hoạt động bình thường.

Câu trả lời có lẽ là không, bởi số lượng bệnh nhân về đường hô hấp đang tăng vọt, thiếu oxi dẫn đến chóng mặt, đau đầu và các bệnh liên quan đến tim mạch khác. Đối với mỗi lứa tuổi thì ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lại là khác nhau nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại là người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, còn gì đau xót hơn hạt giống tương lai của đất nước đang bị thui chột đi bởi bệnh tật, con cái máu mủ của chúng ta quằn quại trong đau đớn.

Và đó mới chỉ là tác hại của ô nhiễm không khí với sức khỏe chúng ta, còn các loại ô nhiễm khác thì sao, nó có nguy hiểm như ô nhiễm không khí không? Câu trả lời là có, vì tất cả các loại ô nhiễm đều liên quan đến nhau và tác động đến sức khỏe con người theo móc xích dây chuyền. Bạn thắc mắc ô nhiễm đất thì liên quan gì đến mình? Mình có ăn đất, thở bằng đất đâu mà sợ? Bạn có chắc mình sẽ tồn tại được nếu không ăn, không thở. Nói đến đây chắc bạn sẽ bật cười vì đất ngoài việc để xây nhà thì có ăn được, có thải ra được oxi như cây cối đâu đúng không. Nhưng thực chất đất lại là cội nguồn của sự sống. Cây cối để tồn tại được thì cần phải có đất, đất cung cấp dinh dưỡng nuôi thực vật, rồi động vật ăn cỏ lại ăn thực vật, những động vật không ăn cỏ lại đi săn những động vật nhỏ bé, yếu ớt hơn.

Chưa cần nói đến động vật mà ngay cả bản thân chúng ta hằng ngày vẫn ăn rau đấy thôi, rau cung cấp vitamin, ăn rau cũng chữa được nhiều bệnh, phòng ngừa nhiều bệnh tật đang nhăm nhe đe dọa sức khỏe của chúng ta. Đất còn cung cấp môi trường sống cho động thực vật. Thử nghĩ xem cuộc sống của chúng ta thế nào nếu tất cả các động vật hoang dã bỗng mất nơi ở và kéo đến xung quanh chúng ta, sợ hãi và hỗn loạn sẽ bủa vây xung quanh cuộc sống của con người. Không chỉ đất mà các nhân tố khác của môi trường cũng ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống của chúng ta.

Như chúng ta biết thì kinh tế cũng là một phần rất quan trọng với cuộc sống của con người. Với tiền, con người có thể làm được hầu hết mọi thứ, tiền có thể kéo dài sự sống, nhờ tiền, ta có thể chữa bệnh, đi khám bệnh để phòng ngừa bệnh tật. Tiền cũng cho ta một cuộc sống ổn định hơn, cung cấp cho con em chúng ta một nền giáo dục tốt hơn. Thật vậy thì vai trò của tiền trong xã hội ngày nay là khá quan trọng, mà tiền lại bắt nguồn từ lao động, sản xuất ra sản phẩm để tiêu thụ, bày bán. Nếu ô nhiễm môi trường khiến nhiều người bệnh tật, thiếu công nhân lao động để sản xuất hàng hóa hoặc sản xuất ra nhiều nhưng người tiêu dùng thì khan hiếm bởi họ cũng đang bị hành hạ bởi bệnh tật thì hàng hóa của chúng ta sản xuất ra sẽ ra sao? Việc buôn bán ế ẩm liệu có mang lại cho chúng ta lợi nhuận hay từ từ rơi vào bờ vực phá sản.

Chưa cần xa xôi đến việc làm ăn của các doanh nghiệp mà bắt đầu đơn giản với các nhà buôn bán nhỏ lẻ, các bác nông dân sẽ làm sao khi đất đai của mình bị ô nhiễm nặng nề không thể trồng trọt được hay khi việc lạm dụng thuốc hóa học vào sản phẩm của mình gây ngộ độc cho người sử dụng. Sau cùng với những việc làm như vậy, kinh tế của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng, chúng ta đang cạn kiệt cả về sức khỏe lẫn tinh thần và đó là kết quả của những hành động thiếu suy nghĩ đang dần phá hủy cuộc sống, phá hủy môi trường xung quanh chúng ta.

Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và kéo theo đó cũng là một loạt các vấn đề nan giải đối với nền kinh tế xã hội. Bệnh tật sẽ khiến kinh tế suy giảm, không lao động được cũng khiến tiền bạc của chúng ta vơi cạn nhanh chóng, hạnh phúc gia đình cũng tan vỡ, nợ xấu, bạo lực gia đình, vô gia cư cùng với những tệ nạn xã hội cũng cứ thế tăng theo. Ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước khi nông sản, thủy sản chết hàng loạt, vay ngân hàng không thể trả, ô nhiễm cảnh quan khiến nguồn lợi nhuận thu về từ du lịch ít đi và làm xấu đi hình ảnh của đất nước với khách quốc tế.

Hơn thế, chúng ta cũng mất chi phí để thu dọn tàn cuộc từ chính những thờ ơ của mình, hàng tỉ đồng đổ ra để cải thiện môi trường xây dựng lại cảnh quan thiên nhiên. Nói cho cùng thì ô nhiễm môi trường ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và kinh tế của chúng ta mà nguyên nhân chính lại là chúng ta, là ý thức chưa tốt, làm việc mà bất chấp hậu quả và chưa bảo vệ môi trường chung vì nghĩ nó không ảnh hưởng trực tiếp lên bản thân mình.

Đó là những hành động đáng lên án và đáng phê phán một cách nặng nề, và để hạn chế những hành động như thế tiếp diễn chúng ta cần phải có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn. Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần có những hình thức răn đe, kỉ luật nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức gây ảnh hưởng đến môi trường, cần nghiêm khắc từ trong chính cơ quan nơi mình làm việc và sinh sống, có thưởng và phạt thích hợp để góp phần cải thiện môi trường. Bảo vệ môi trường là việc làm của tất cả mọi người chứ không chỉ riêng các cơ quan tổ chức, bắt đầu từ mỗi cá nhân chúng ta cũng cần phải bắt tay với việc cải thiện môi trường sống, lá phổi xanh của chúng ta.

Và đơn giản nhất là việc tự tích lũy cho mình tri thức về môi trường và các cách bảo vệ môi trường, cần tuyên truyền và giáo dục cho mọi người cũng như đưa việc bảo vệ môi trường vào chương trình giảng dạy để giáo dục cho các em nhỏ tầm quan trọng và trách nhiệm bảo vệ môi trường ngay từ khi còn nhỏ. Mỗi người cần nâng cao trách nhiệm của mình hơn nữa với việc bảo vệ môi trường, coi nó như chính sinh mạng và sức khỏe của chúng ta để cải thiện môi trường từng ngày. Trồng thật nhiều cây xanh, quét dọn, thu gom rác thải và tổ chức thật nhiều buổi lao động tình nguyện nhằm bảo vệ môi trường cũng rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường.

Môi trường sống đối với mỗi chúng ta thật sự rất quan trọng, nó tác động rất lớn đến sự tồn vong của toàn bộ nhân loại, vì thế mỗi cá nhân phải đặt việc bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Gương mẫu, nghiêm khắc với chính bản thân mình trong việc bảo vệ môi trường. Đừng để mỗi người một chút, một chút vô tâm mà cả xã hội phải gánh chịu hậu quả đau đớn không lường trước được. Là một học sinh đang ngồi trong ghế nhà trường em thấy bản thân mình tự cần phải gương mẫu trong việc bảo vệ môi trường, tuyên truyền kiến thức về môi trường và tham gia các hoạt động tập thể vì một môi trường không ô nhiễm.

Bệnh tật là kẻ giết người thầm lặng, vì vậy hãy tự cứu lấy bản thân mình ngay từ bây giờ, từ hôm nay và tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ để bảo vệ cuộc sống của chúng ta sau này. Chỉ với những hành động rất nhỏ bé thôi cũng góp phần to lớn trong việc bảo vệ, cai thiện môi trường. Vì môi trường là nguồn sống, là không gian chung để chúng ta tồn tại và nó có ảnh hưởng cực kì to lớn đến mỗi cá nhân chúng ta nên hãy sống và bảo vệ môi trường, cũng như tự bảo vệ lấy tương lai của mình vậy. Hãy cùng chung tay để xây dựng lên một thế giới tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc, tiếng cười. Và bước đầu của việc đó hãy bắt đầu với những hành động nhỏ bé, cụ thể đầy ý nghĩa để bảo vệ môi trường sống xanh-sạch-đẹp.

5. Mẫu dự thi bảo vệ môi trường số 5: Phát triển không gian xanh

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội thì nhu cầu hưởng thụ tại các không gian công cộng của người dân Thủ đô ngày càng tăng. Trong đó, việc mở rộng các không gian xanh công cộng ở nhiều nơi đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của đô thị, hướng đến xây dựng Hà Nội trở thành nơi đáng sống.

Nỗ lực kiến tạo không gian công cộng

Dạo một vòng quanh TP, hình ảnh người dân tập thể dục tại công viên Thống Nhất, công viên Cầu Giấy, công viên Hòa Bình, vui chơi tại phố đi bộ Hồ Gươm, quảng trường Ba Đình… là những ví dụ sinh động về các không gian công cộng của Thủ đô. Những không gian công cộng này không chỉ là nơi để nghỉ ngơi, thư giãn mà nó đặc biệt bởi sự kết nối và duy trì bền vững xã hội và văn hóa cho Hà Nội.

Bên cạnh những không gian xanh hiện hữu, trong những năm qua, TP đã khởi công xây dựng hàng loạt công viên có quy mô lớn như công viên hồ điều hòa Nhân Chính (công viên Thanh Xuân), công viên, hồ điều hòa phía Bắc và phía Nam nghĩa trang Mai Dịch, công viên giải trí CXCV1, công viên giải trí tại Mễ Trì, khu công viên, hồ điều hòa CV1 Cầu Giấy...

Cùng với những dự án lớn, hiện có nhiều nỗ lực của các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân trong việc kiến tạo và mở rộng không gian công cộng. Những sáng kiến thường xuất phát từ các kiến trúc sư, những chuyên gia đô thị cùng sự chung tay của chính cộng đồng dân cư của Hà Nội.

Tại thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, sự xuất hiện của sân chơi cộng đồng trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn là tin vui với trẻ em nơi đây. Sân chơi này được thiết kế bởi các chuyên gia từ Pháp, Đức, được thi công và lắp đặt bởi DN tham gia xã hội hóa “Nghĩ về sân chơi trong phố – Thinks Playground" phối hợp cùng với cộng đồng thôn Hà Lỗ. Các chuyên gia đã sử dụng lốp xe tái chế, gạch sinh thái để làm thành bập bênh, xích đu, khu cầu trượt cho trẻ em. Hay tại bãi tập kết rác ven sông Hồng trước đây thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, dần được hồi sinh nhờ 16 tác phẩm nghệ thuật đương đại đến từ 16 nghệ sĩ trong và ngoài nước. Chỉ trong thời gian ngắn, nơi đây đã trở thành điểm đến vô cùng độc đáo và thú vị với người dân Thủ đô.

Đặc biệt, mới đây, cũng trên địa bàn phường Phúc Tân đã khánh thành không gian công cộng vùng bãi ven sông Hồng cho người dân tổ 16. Trước đây, khu vực này là nơi tập kết phế liệu, rác thải sinh hoạt, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường sống. Sau một thời gian thi công, không gian công cộng Phúc Tân được biến đổi thành khu vui chơi. Hiện nay, phần đất này đã mang một diện mạo mới, sạch sẽ, đa chức năng; được trang bị ghế, đồ chơi trẻ em, dụng cụ tập thể dục... trở thành một địa điểm để hội họp, gặp gỡ cộng đồng.

Phấn khởi khi được thụ hưởng không gian sạch, đẹp ông Nguyễn Đức Lực – người dân tổ 16 chia sẻ: “Không gian cộng đồng có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi, làm thay đổi bộ mặt của khu phố, thay đổi cả phong cách sống, lối sống của chính người dân nơi đây. Từ ngày có sân chơi và không gian cộng đồng được cải thiện, bà con và đặc biệt trẻ con ra chơi rất đông, giúp con trẻ gắn kết với nhau hơn, giáo dục chúng biết bảo vệ môi trường sống của chính mình”.

Nhân rộng mô hình

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã và đang góp phần làm cho diện mạo Thủ đô ngày một văn minh, hiện đại, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng vẫn đang có sự thiếu hài hòa bởi không gian công cộng trong đô thị. Trước những khó khăn, thách thức đó, Hà Nội đã và đang nỗ lực dành những quỹ đất “vàng” để đầu tư phát triển các địa điểm vui chơi công cộng như: Công viên, vườn hoa, hồ nước… việc xây dựng nhiều không gian công cộng, hay tạo ra những chiếc hồ nhân tạo lớn giữa lòng TP đã thể hiện đường lối, chính sách phát triển và sự quan tâm của lãnh đạo TP Hà Nội đối với nhu cầu giải trí và thụ hưởng của người dân Thủ đô.

Đồng thời khẳng định sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo TP, các sở, ban, ngành… trong việc kiên trì mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành một trong những đô thị “xanh, sạch, văn hiến, văn minh và hiện đại”, tạo ra môi trường sống tốt hơn, đáng sống hơn cho người dân Thủ đô... Tuy nhiên, để những không gian công cộng thực sự đem lại lợi ích, giá trị đối với người dân thì quan trọng hơn cả, người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình, từ đó làm thay đổi phong cách sống, lối sống. Đặc biệt, đối với những mô hình hay, sáng tạo cần được phát huy, nhân rộng.

Theo KTS Chu Kim Đức - người đồng sáng lập DN Think Playgrounds, cũng là người đã cùng các cộng sự của mình xây dựng hơn 200 sân chơi cho trẻ em trên cả nước, với các dự án đã thực hiện để thành công được đó là sự chung tay rất nhiệt tình của người dân trong việc xây dựng và bảo vệ không gian công cộng của mình. “Từ những thay đổi trong suy nghĩ, lối sống của người dân đã giúp chúng tôi quyết tâm thiết kế nhiều không gian công cộng hơn nữa” – KTS Chu Kim Đức chia sẻ và cho rằng, để phát huy hết được hiệu quả các không gian công cộng, bên cạnh việc đầu tư, xây dựng công viên hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, thì việc đầu tư xây dựng các công viên hiện có theo hướng công viên mở cho mọi người nghỉ ngơi, thư giãn, luyện tập, các không gian xanh công cộng tại các khu dân cư, hay xa trung tâm TP… có vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý sau khi công trình công cộng được đưa vào sử dụng, qua đó, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xuống cấp và quản lý chồng chéo hiện có.

Trong những năm gần đây, Hà Nội luôn chú trọng đến việc phát triển không gian công cộng. Cụ thể, từ năm 2014 Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và 7 khu công viên đặc thù.

Thực tế, chúng ta ít để ý đến các không gian công cộng nhỏ khu ven đô hoặc kẹt giữa khu dân cư. Tuy nhiên, các không gian này cần cho những hoạt động giao lưu tập thể, tăng kết nối và gắn kết mọi người với nhau. Vì vậy, dự án không gian công cộng vùng bãi ven sông Hồng cho người dân tổ 16 vừa được khánh thành là một mô hình rất ý nghĩa cần được nhân rộng. Nếu được Nhà nước đầu tư, chỉnh sửa, cộng đồng tham gia thực hiện và quản lý thì các không gian cộng đồng này sẽ góp phần làm Hà Nội đáng sống cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người sống ở vùng xa trung tâm.

6. Mẫu dự thi bảo vệ môi trường số 6: Để mỗi người dân chung tay bảo vệ môi trường

Những năm gần đây, ý thức của người dân Hà Nội trong việc bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa thay đổi từ nhận thức, thói quen, cho đến hành động trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

Vô tư xả rác

Đầu tháng 11, tôi nhận được sự phàn nàn của một người nước ngoài tình cờ gặp trên đường. Anh ấy tỏ vẻ tức giận vì giấy gói xôi, vỏ bánh kẹo bị một số người dân vứt thẳng xuống dưới lòng đường. Để tránh cuộc cãi vã xảy ra, một người trong số đó lấy chổi ra quét rồi gom lại. Anh bảo, nếu không có sự phản ứng của anh thì chắc chắn rác sẽ bay theo gió, gây ô nhiễm đường phố và vỉa hè.

Chỉ một việc đơn giản như vậy nhưng đã đặt ra nhiều vấn đề trong ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân. Đơn giản nhất, xả rác vô tội vạ là thực tế vẫn diễn ra và thói quen này chưa thay đổi.

Năm 2013 tôi có theo một đoàn nghiên cứu thực trạng về việc xả rác quanh Hồ Tây, tận mắt chứng kiến rác xả bừa bãi quanh đường ven hồ, những đống rác chất cao từ các hàng quán, vật liệu xây dựng, gạch, đá, bê tông ngổn ngang. Xe rác đến rồi đi với cường độ cao mà không dọn xuể. Không thể không kể đến dãy hàng quán ăn uống mới mọc lên góp phần lớn vào sự ô nhiễm đó. Những người dân đi tập thể dục quanh hồ, cứ đi ngang qua rác do người bên đường xả ra là phải bịt mũi hoặc đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ý thức của người Hà Nội trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường sống xung quanh đã cải thiện và tốt lên rất nhiều. Cũng chính đường ven Hồ Tây, con đường nay đẹp và sạch hơn. Người dân không vứt thẳng rác ra đường, mỗi người nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh - sạch – đẹp. Nhưng sự sạch sẽ đó không phải tuyệt đối vì vẫn còn một số người dân thiếu ý thức, tiện tay vứt ra ra vỉa hè, ra đường. Dù có nhắc, họ cũng chỉ ậm ừ rồi cho qua.

Có thể thấy, bản thân mỗi người đều có trong mình ý thức cộng đồng. Nhưng trong cuộc nhậu ở vỉa hè, khi một, hai người tiện tay vứt giấy ăn, giấy gói đồ ra vỉa hè, lòng đường thì những người khác cũng tiện tay làm theo mà không hề suy nghĩ. Cho dù quán có dọn dẹp sau đó nhưng mùi hôi lưu lại trên mặt đường thì khó hết. Đó chính là ô nhiễm môi trường. Vì vậy, làm thế nào để thực sự nâng cao ý thức người dân từ những hành động nhỏ ấy vẫn là bài toán nan giải.

Ý thức phải từ trên xuống

Cách đây vài năm, tôi ngồi ăn ở một quán vỉa hè. Dưới chân có xô nhựa để khách bỏ rác vào nhưng một số khách vẫn vứt đồ xuống vỉa hè. Chủ quán làm một việc tưởng chừng rất “điên rồ” là ra nhắc nhở khách. Tất nhiên, người chủ biết nguy cơ sẽ bị mất khách nhưng anh ta vẫn làm việc đó. Điều này thể hiện ý thức rất cao trong bảo vệ môi trường, bắt đầu từ những việc rất nhỏ.

Một ví dụ khác, đó là phong trào người dân trong khu phố cùng nhau dọn dẹp nơi ở và không gian chung. Có nơi duy trì rất lâu, có nơi làm vài ngày, vài tuần là thưa dần rồi dừng lại. Bởi phong trào phát động từ trên xuống, cần có người cầm trịch, được nhiều người ủng hộ.

Giữa ý thức và vô ý thức có khoảng cách rất mong manh. Vứt rác hay không vứt rác, chỉ là một cái phóng tay nếu không có ai đó nhắc nhở. Thậm chí kể cả nhắc nhở thì họ sẽ vâng dạ nhưng lần sau thì… vẫn thế. Ý thức kém chỉ là một phần nguyên nhân nhưng nguyên nhân cốt lõi chính là vì lối sống cá nhân ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình. Thực tế cho thấy, dù có cảnh cáo, nhắc nhở cho đến xử phạt hành chính thì cũng vẫn xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, vô tội vạ, vì mặt bằng ý thức người dân chưa thay đổi và rất khó xử phạt lỗi này.

Nếu suy nghĩ theo hướng đó, xã hội có nhiều người ích kỷ nhưng cũng có không ít người sẵn sàng đứng ra nhắc nhở người khác giữ gìn vệ sinh môi trường. Điển hình là các bậc cao niên trong gia đình, họ tộc phải tự ý thức được trách nhiệm của mình, giáo dục con cháu giữ gìn môi trường mình đang sống, việc đó là để cải thiện chất lượng chính cuộc sống của mình.

Trong công tác bảo vệ môi trường, rất cần sự chung tay góp sức của các tầng lớp Nhân dân. Đối với Hà Nội, sự chung tay đó còn phải lớn hơn nữa, tích cực hơn nữa. Người ta có thể chi ra rất nhiều tiền để làm sạch môi trường. Nhưng nếu ý thức người dân không tốt, chắc chắn môi trường vẫn không trong sạch được. Có người từng nói “Luật lệ tạo dựng ý thức” nhưng để cả xã hội ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường, không thể cứ áp đặt mà phải "mưa dầm thấm lâu" vào mỗi người dân.

7. Bài dự thi sáng kiến bảo vệ môi trường

Xử lý khí thải bằng công nghệ nhiệt độ thấp và dùng thảm thực vật xử lý nước thải kênh, rạch là những sáng chế kỳ vọng góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.

Công nghệ mới xử lý khí thải

Xử lý khí thải bằng công nghệ nhiệt độ thấp là nghiên cứu của các kỹ sư Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Khí thải từ các nhà máy công nghiệp có thể được xử lý đến 100% nhờ công nghệ nhiệt độ thấp sử dụng các xúc tác hỗn hợp oxit kim loại chuyển tiếp.

Ưu điểm của sản phẩm của nhóm nghiên cứu, ngoài việc giảm được đáng kể giá thành so với các sản phẩm nhập ngoại từ kim loại quý đắt tiền, còn có khả năng ổn định cao hơn vì những xúc tác kim loại quý dễ bị thiêu kết trong môi trường nhiệt độ cao và dễ mất hoạt tính sau một thời gian ngắn khi gặp clo và lưu huỳnh trong khí thải.

Sản phẩm hiện đã sẵn sàng để áp dụng thương mại. Hiện nay, một số nhà máy nhiệt phân cao su phế thải ở Hải Dương đã lắp đặt bộ xúc tác này trên hệ thống ống xả với chi phí khoảng 100 triệu đồng/lần. Phải sau tối thiểu 2 - 3 năm, các nhà máy này mới cần phải thay thế bộ xúc tác.

Sau khi lắp đặt, người sử dụng không phải điều chỉnh gì ngoại trừ việc đảm bảo các yếu tố công nghệ như thiết kế. Trước khi sử dụng xúc tác xử lý khí thải, các nhà máy phải được khảo sát công nghệ để chế tạo những hỗn hợp xúc tác tối ưu và có được sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật tốt nhất trong quá trình vận hành.

Làm sạch kênh, rạch với ý tưởng của sinh viên

Trong khi đó, sử dụng thảm thực vật nổi kết hợp pin năng lượng mặt trời để xử lý nước thải kênh, rạch là ý tưởng của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM .

Ý tưởng của nhóm có thể xử lý ô nhiễm nguồn nước kênh rạch, cải thiện cảnh quan khu vực bằng những loài thực vật được lựa chọn nổi trên mặt nước, giảm thiểu các chất ô nhiễm hữu cơ, hạn chế tối đa việc thay đổi cấu trúc kênh rạch, xây dựng công trình với chi phí đầu tư rẻ.

Thực vật thuỷ sinh là thành phần chính trong phương pháp này để xử lý chất ô nhiễm trong nước bằng cách hấp thụ các chất đó như nguồn dinh dưỡng để giúp cây trưởng thành và ra hoa, tạo nên cảnh quan đẹp đẽ trên mặt kênh và phủ xanh mặt nước.

Theo nhóm tác giả, mô hình sử dụng 5 - 6 loài thực vật khác nhau tìm thấy ở ven các kênh rạch với vỏ hàu và xơ dừa được đặt trong rổ nhựa có lớp lưới bằng nhựa bọc phía dưới tránh cho vật liệu rơi ra ngoài. Đường kính của mắt lưới là 2,5cm nên yêu cầu kích thước vỏ hàu là từ 3cm trở lên. Trong lớp vật liệu, 80% là lớp vỏ hàu, 20% còn lại là xơ dừa giúp cho rễ bám chắc hơn.

Nhóm nghiên cứu cho hay, hiện bè thực vật nổi được áp dụng tại khá nhiều con sông ô nhiễm như sông Tô Lịch (Hà Nội), tuy nhiên, thảm thực vật nổi kết hợp hệ thống sục khí được sử dụng bằng pin năng lượng mặt trời vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ngoài thực tế, chỉ được thử nghiệm trong thí nghiệm.

Chi phí đầu tư rẻ, dễ dàng vận hành, lắp đặt chính là ưu điểm lớn của mô hình. Thảm thực vật nổi xử lý nước thải với các thực vật thủy sinh là phần xử lý chính phù hợp với tiêu chí: Dễ tìm, giá thành thấp, phát triển mạnh mẽ trong điều kiện nước mặn, khả năng xử lý các chất hữu cơ cao, với độ phủ mảng xanh cao cùng bộ rễ kiên cố, chắc chắn và tạo nên cảnh quan một cách thẩm mỹ. Dự án này của nhóm đạt giải Khuyến khích cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ TPHCM lần thứ XIII năm 2021.

8. Bài dự thi mô hình về bảo vệ môi trường

Mô hình sáng tạo: Phủ xanh công trình bằng rác thải

Đến từ phố núi Pleiku thoáng đãng của Tây Nguyên, Nguyễn Văn Thành - chàng sinh viên khoa Kỹ thuật đô thị của Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh cảm thấy ngột ngạt khi môi trường sống ở thành phố này rất thiếu mảng xanh. Từ không gian học đường cho đến nơi công cộng.

Trăn trở về vấn đề này, đến năm học thứ ba, khi học môn Tái chế rác thải, anh rất hứng thú với việc tìm ra giải mô hình sáng tạo bảo vệ môi trường với tên gọi "phủ xanh đô thị". Sáng kiến này sẽ được thực hiện bằng cách sử dụng rác thải và bắt tay vào nghiên cứu với sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn.

Từ ý tưởng, Văn Thành lên kế hoạch thực hiện đề án theo hướng có tính thực tiễn cao. Để có đủ nhân sự thực hiện dự án "Tái sử dụng rác thải trong học đường để phủ xanh công trình", anh đã vận động một số bạn học cùng trường thành lập nhóm BUCA gồm Văn Thành (trưởng nhóm), Đăng Khoa, Vũ Phùng, Yến Dương, Minh Đức, Quế Trâm, Nhật Anh, Anh Khoa và Đoàn Văn Hưng.

Công việc của nhóm là thu thập rác thải trong trường học và phân loại, dùng rác tái chế là nhựa các loại để ép thành từng miếng panel có kích thước khoảng 1m2 và ráp lại, đặt trên tường để vừa chống thấm vừa có thể trồng cây xanh. Họ còn tận dụng rác thải để làm các mẫu chậu, thùng rác tiện dụng cho việc phân loại rác.

Chia sẻ trở ngại khi thực hiện về ý tưởng của những thanh niên yêu việc bảo vệ môi trường chính là "công việc tốn thời gian và khó khăn nhất là việc phân loại rác tại nguồn và làm việc với các công ty sản xuất nhựa để thuyết phục họ hợp tác công đoạn ép rác. May mắn là nhóm đã được sự giúp đỡ từ nhiều người nên đến nay, mọi việc tiến hành khá suôn sẻ" - Văn Thành vui mừng chia sẻ. Ước tính, mảng tường xanh hoàn chỉnh có giá khá rẻ, từ 300-400 ngàn/m2 và được bảo hành từ ba đến năm năm.

Dự án này đã giành được nhiều giải thưởng của các cuộc thi ý tưởng "Sáng tạo trẻ", "Tiết kiệm năng lượng" và mới nhất là giải thưởng của Hội đồng Anh cho những sáng tạo vì môi trường, trị giá 100 triệu đồng.

Văn Thành cho biết nhóm đang dùng khoản tiền thưởng này để triển khai thí điểm dự án phủ xanh chính ngôi trường mà các bạn đang theo học, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 9-2012. Sau các trường học, nhóm sẽ tiếp tục đưa tường xanh đến những công trình công cộng như trạm chờ xe bus, bệnh viện, quán cà phê, kế đó là nhà dân.

Cũng theo Thành - người đưa ra ý tưởng sáng tạo bảo vệ môi trường: "Tham dự các cuộc thi chỉ là cách để chúng tôi có điều kiện học hỏi, hoàn thiện cho dự án và may mắn có được giải thưởng càng tạo thêm cho chúng tôi động lực để tiếp tục kế hoạch của mình.

Tôi tin rằng dự án này sẽ góp phần tích cực giải quyết được tình trạng thiếu không gian xanh cho thành phố, tăng vẻ mỹ quan mà chi phí thấp, rất kinh tế nên rất mong nhận được sự quan tâm, hợp tác của nhiều người".

Các nhà khoa học đã tính toán và kết luận rằng nếu phủ xanh được 20% diện tích đô thị thì sẽ giảm được nhiệt độ từ 1 - 2oC. Cũng theo đó lượng CO2 trong không khí cũng giảm đáng kể, rồi giảm sử dụng máy điều hòa sẽ tiết kiệm được điện năng.

Dự án ý tưởng sáng tạo bảo vệ môi trường của nhóm BUCA có ưu điểm là tiết kiệm diện tích đất đô thị vì tận dụng những mảng tường của công trình. Nhìn xa hơn, nếu có nhiều con đường được phủ xanh theo phương pháp của nhóm BUCA thì sẽ hình thành được nhiều con phố đi bộ xanh mát.

9. Bài dự thi ý tưởng hữu ích bảo vệ môi trường

Sáng kiến bảo vệ môi trường "Hút dầu loang bằng thảm vỏ tràm"

Tràm là loại cây phổ biến ở miền Tây Nam bộ, riêng tại những vùng đất ngập nước tràm còn được trồng thành rừng. Lâu nay, người dân quen dùng thân tràm làm cọc móng, cột nhà, lá tràm được chưng cất để lấy tinh dầu, còn vỏ tràm bị xem là phế phẩm. Vì thế, ý đồ nghiên cứu dùng vỏ tràm để làm sạch môi trường được rất nhiều người quan tâm.

Đó là sáng kiến của thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên Trường THPT An Lạc Thôn, tỉnh Sóc Trăng cùng ba học trò là Nguyễn Trí Hải, Lý Công Hiển và Nguyễn Thanh Liêm. Với đề tài "Thu giữ dầu loang bằng vỏ tràm", nhóm thầy trò này đã nghiên cứu, thử nghiệm dùng vỏ tràm làm vành đai để hút xăng dầu rò rỉ từ các cây xăng, tiệm sửa xe máy...

Vượt qua 800 bài dự thi của các trường học trong cả nước, đề tài trên đã được chọn làm đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi về môi trường cấp quốc tế tại Thụy Điển. Trước đó, nhóm đã đoạt giải nhất cuộc thi cấp quốc gia về đề tài "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước" do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường phối hợp cùng Tổng cục Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Thầy Ngọc Hải cho biết sau nhiều lần thử nghiệm, có thể thấy so với các chất có khả năng thấm hút khác như bông gòn, xơ dừa, xác bèo tây khô..., thì vỏ tràm có khả năng hút dầu mạnh nhất.

Thầy Ngọc Hải làm thử nghiệm, dùng nước sau khi được xử lý để tưới cây mồng tơi - loại cây trồng rất nhạy cảm với nước nhiễm xăng dầu thì kết quả cây mồng tơi vẫn phát triển xanh tốt, chứng tỏ nước nhiễm xăng dầu đã được vỏ tràm khử mạnh. Từ kết quả khả quan ấy, nhóm nghiên cứu do thầy Ngọc Hải lãnh đạo mở rộng phạm vi ứng dụng, dùng vỏ tràm làm vành đai ven các điểm bán xăng dầu, tiệm sửa máy nổ ven sông...

Để hút xăng, dầu loang lổ trên đường và trên mặt nước. Đây là một sáng kiến độc đáo, không tốn kém mà mang lại lợi ích thiết thực trong việc góp phần bảo vệ môi trường nên cần được giới thiệu rộng rãi để nhiều nơi cùng ứng dụng.

10. Bài dự thi biện pháp giải quyết ô nhiễm môi trường

Tình trạng ô nhiễm môi trường có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Để ngăn chặn, khắc phục và xử lí có hiệu quả những hành vi gây ô nhiễm môi trường, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp.

Nguyên nhân ô nhiễm môi trường

Tình trạng ô nhiễm môi trường có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, song tập trung ở các nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế, các quy trình kỹ thuật, quy trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là khá phổ biến, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế... trong việc bảo vệ môi trường.

Thứ hai, quyền hạn pháp lí của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng Cảnh sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh, nên đã hạn chế hiệu quả hoạt động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các cở sở pháp lí, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường và các loại tội phạm về môi trường vừa thiếu, vừa chưa đủ mạnh, dẫn đến hạn chế tác dụng giáo dục, phòng ngừa, răn đe đối với những hành vi xâm hại môi trường. Rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lí hình sự; còn các biện pháp xử lí khác như buộc phải di dời ra khỏi khu vực gây ô nhiễm, đóng cửa và đình chỉnh hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng không được áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, doanh nghiệp trây ỳ nên cũng không có hiệu quả.

Thứ ba, các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lí, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất dường như vẫn mang tính hình thức, hiện tượng “phạt để tồn tại” còn phổ biến. Công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư còn tồn tại nhiều bất cập và chưa được coi trọng đúng mức, thậm chí chỉ được tiến hành một cách hình thức, qua loa đại khái cho đủ thủ tục, dẫn đến chất lượng thẩm định và phê duyệt không cao.

Thứ tư, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được ý thức tự giác, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Thứ năm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế; phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, trong nhiều trường hợp, đoàn kiểm tra không thể phát hiện được những thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp thải các chất gây ô nhiễm ra môi trường.

Giải pháp giảm ô nhiễm môi trường

Để ngăn chặn, khắc phục và xử lí có hiệu quả những hành vi gây ô nhiễm môi trường, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó những chế tài xử phạt (cưỡng chế hành chính và xử lí hình sự) phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp và thân thiện hơn với con người.

Hai là, tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường (thường xuyên, định kỳ, đột xuất); phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này.

Ba là, chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề, các đô thị, đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo như ở nhiều địa phương thời gian vừa qua, gây khó khăn cho công tác quản lí nói chung, quản lí môi trường nói riêng. Đối với các khu công nghiệp, cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lí nước thải , phân tích môi trường tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lí nước thải, rác thải tại đó.

Bốn là, chú trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn tham mưu chính xác cho cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc cấp hay không cấp giấy phép đầu tư. Việc quyết định các dự án đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích đem lại trước mắt với những ảnh hưởng của nó đến môi trường về lâu dài. Thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, các dự án đầu tư và tạo điều kiện để mọi tổ chức và công dân có thể tham gia phản biện xã hội về tác động môi trường của những quy hoạch và dự án đó.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên - con người - xã hội.

Trên đây là một số mẫu Bài dự thi viết về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội hay chọn lọc được HoaTieu.vn sưu tầm và tổng hợp từ những bài dự thi viết về bảo vệ môi trường đạt giải cao trên toàn quốc. Hy vọng nội dung bài viết đã cũng cấp những thông tin và tài liệu hữu ích đến bạn đọc.

Mời các bạn cùng tham khảo thêm các bài viết liên quan tại mục Bài thu hoạch, bài dự thi - Tài liệu nhé.

Đánh giá bài viết
18 11.120
0 Bình luận
Sắp xếp theo