Những thắc mắc thường gặp khi F0 điều trị tại nhà

Trong thời gian gần đây, nhiều tỉnh thanh trên toàn quốc đã trải qua làn sóng dịch Covid-19 khá nặng nề với số ca nhiễm mới luôn ở mức cao. Tuy nhiên hiện nay nhiều F0 có biểu hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng được phép cách ly và điều trị tại nhà. Vậy khi điều trị tại nhà F0 cần lưu ý những gì và F0 cần làm gì để tránh cơn bão cytokine?

Sau đây là một số lời khuyên của các bác sĩ về những thắc mắc thường gặp khi F0 điều trị tại nhà, Hoatieu xin chia sẻ để các bạn cùng tham khảo.

F0 ăn gì tăng đề kháng tránh 'bão cytokine'?

Theo cuốn Covid-19 sách chuyên khảo dành cho nhân viên y tế do các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương biên soạn, chế độ ăn đầy đủ, cân bằng và đa dạng thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ miễn dịch, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như rút ngắn thời gian điều trị.

Bệnh nhân cần ăn cân bằng giữa thực phẩm chứa protein động vật và thực vật, tăng sử dụng cá, tôm, cua, đậu đỗ. Ăn thịt đỏ 1-2 lần một tuần, thịt gia cầm 2-3 lần một tuần. Ngoài ra, hàng ngày nên ăn 250 g quả, 300 g rau. Chú trọng chất béo không bão hòa trong cá, quả bơ, hạt, dầu olive, đậu nành, dầu hướng dương, dầu ngô... hơn là chất béo bão hòa có trong thịt mỡ, dầu dừa, kem, pho mát, mỡ lợn, bơ thực vật. Tránh thực phẩm giàu chất béo công nghiệp như đồ chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, pizza, bánh nướng, bơ thực vật. Hạn chế thực phẩm nhiều đường như nước ngọt, nước trái cây, siro, hạn chế uống rượu bia.

Bổ sung nước đầy đủ, ít nhất trên hai lít nước mỗi ngày, điện giải natri, kali, magie, do nước giúp vận chuyển chất dinh dưỡng và các chất trong máu, điều hòa nhiệt độ cơ thể. Người bệnh Covid-19 có thể có tổn thương thận và "bão cytokine" gây đa niệu, tăng thải natri, kali, magie. Tình trạng chán ăn cũng làm giảm lượng thức ăn và nước uống vào, lại đeo khẩu trang liên tục làm giảm cảm giác khát, nên cần chủ động bổ sung nước thường xuyên.

Người bệnh cũng bổ sung một số vitamin là chất chống oxy hóa như vitamin E, vitamin C, beta-caroten. Những vitamin này đã được chứng minh giúp tăng số lượng tế bào T, Interleukin-2, tăng hoạt động của tế bào NK, tăng khả năng miễn dịch với bệnh cúm; tuy nhiên hiện chưa đủ dữ liệu khẳng định vai trò cải thiện diễn biến bệnh và tiên lượng của bệnh nhân Covid-19.

Beta-caroten có nhiều trong khoai lang, cà rốt, rau lá xanh. Vitamin C trong ớt đỏ, cam, dâu tây, súp lơ, xoài, chanh... Một nguồn lớn vitamin E đến từ dầu thực vật (đậu nành, hướng dương, ngô, óc chó...), các loại hạt, súp lơ...

Người bệnh cách ly, ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, có thể dẫn đến giảm sản xuất vitamin D. Trong khi đó vitamin D tham gia bảo vệ đường hô hấp, giảm sản xuất cytokine tiền viêm nên giảm nguy cơ cơn bão cytokine dẫn đến viêm phổi. Do đó, F0 cần bổ sung vitamin D qua cá, gan, lòng đỏ trứng, sữa, sữa chua...

Một vi chất khác cũng có tác dụng tăng cường miễn dịch là kẽm. Những thực phẩm giàu kẽm nên có trong chế độ ăn như hàu, thịt đỏ, hạt bí, vừng, đậu...

Do cách ly kéo dài tại nhà, nhiều F0 dành phần lớn thời gian để ngồi, nằm, xem tivi, chơi game, dùng điện thoại..., làm tăng cân, giảm khối cơ và sức mạnh của cơ, tăng hoặc trầm trọng hơn các bệnh mạn tính. Giảm vận động kéo dài còn khiến tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu. Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên tập luyện thể dục thường xuyên, từ những việc rất đơn giản như đi lại, nâng các vật dụng, leo cầu thang, dọn vườn, chơi thể thao trong nhà, tập yoga... Nên tập mỗi ngày 30 phút để duy trì sức khỏe và chỉ số khối cơ thể. Bệnh nhân hồi sức tích cực (ICU) nên tập luyện phục hồi chức năng sớm, tránh tình trạng teo cơ.

F0 phải nhập viện, điều trị hồi sức thời gian dài, mất khối cơ và chức năng cơ, là vấn đề phổ biến. Vì vậy, trước khi ra viện, bệnh nhân cần được sàng lọc và đánh giá để phát hiện nguy cơ suy dinh dưỡng cấp tính.

Các bác sĩ khuyến cáo người bị suy dinh dưỡng cấp tính nên tiếp tục sử dụng chế phẩm dinh dưỡng cao đạm, cao năng lượng ít nhất một tháng sau ra viện. Trường hợp không bị suy dinh dưỡng, nên bổ sung dinh dưỡng vào bữa ăn hàng ngày (thêm 2-3 bữa phụ/ngày, bao gồm sữa, sữa chua, hoa quả...) trong ít nhất hai tuần.

Vừa khỏi Covid tiếp xúc với f0 có sao không?

F0 mới khỏi, có tiếp xúc với F0, liệu có bị lại?

Trả lời: Người mắc Covid-19 sau khi khỏi sẽ có miễn dịch và kéo dài bao lâu thì vẫn chưa rõ, vẫn có thể bị mắc chủng này nhưng tái nhiễm chủng khác. Bạn là F0 mới khỏi bệnh, khả năng tái nhiễm ngay sau đó là rất thấp. Song bạn vẫn có khả năng (dù rất nhỏ) sẽ bị tái nhiễm khi tiếp xúc với các F0 khác. Vì vậy, tốt nhất là nên hạn chế tiếp xúc, trong trường hợp cần phải tiếp xúc thì nên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và rửa tay thường xuyên.

Tôi bị F0 đã khỏi bệnh được 1 tháng, có ngồi ăn cơm với F0, liệu có bị F0 lại không?

Trả lời: F0 khỏi bệnh sẽ có miễn dịch nhưng không bảo vệ trọn đời, không bảo vệ được các biến chủng khác. Việc tiếp xúc trực tiếp (ăn chung, nói chuyện...) hoàn toàn có khả năng bị nhiễm bệnh. Bạn cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên và không sinh hoạt trực tiếp với người F0.

8 thắc mắc thường gặp khi điều trị Covid19 tại nhà

F0 điều trị tại nhà cần chuẩn bị những gì? Dưới đây là một số chia sẻ của bác sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga về một số thắc mắc của người bệnh khi điều trị Covid19 tại nhà. Mời các bạn cùng theo dõi.

1. Mắc Covid-19 bị mất khứu giác, vị giác, tiêu chảy, mẩn ngứa..., có phải bệnh đang nặng lên không?

Không. Đây là diễn biến bình thường của Covid-19. Các triệu chứng trên không phải dấu hiệu cho thấy tình trạng diễn biến của bệnh đang nặng lên. Nếu bị mất khứu giác, vị giác, cần tập ngửi các mùi quen thuộc, ăn những món ăn quen thuộc, dùng các vitamin nhóm B và thuốc bổ thần kinh để nhanh hồi phục. Thời gian thường vài ngày đến vài tuần. Các vấn đề còn lại, chỉ cần điều trị triệu chứng với các thuốc thông dụng như thường ngày.

2. Người nhà tôi 7 ngày vẫn không hết sốt, phải làm sao?

Sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể, ở đây sốt kéo dài chỉ là một trong hai lý do, hoặc là do virus, hoặc là do vi khuẩn, hoặc cả hai. Nếu sốt do virus thì dùng kháng virus (molnupiravir hoặc favipiravir) ngăn sự nhân lên của virus, từ đó có thể nhanh cắt sốt. Tuy nhiên ngoài Covid-19, một số người đồng thời nhiễm cúm hoặc các loại virus đường hô hấp khác (có khoảng vài trăm loại) thì không có cách gì khác ngoài việc dùng thuốc hạ sốt, bù nước và điện giải, điều trị triệu chứng (đau đầu, buồn nôn, nôn, vật vã kích thích...).

Sốt do vi khuẩn thì phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên, để xác định có phải nhiễm khuẩn hay không cũng không dễ. Để dự đoán phải dựa vào tiền sử bệnh là có hay viêm xoang, viêm họng, viêm amidan hay viêm phế quản không, phải xét nghiệm máu xem bạch cầu có tăng cao không, chỉ số procalcitonin, chỉ số CRP... có tăng không, từ đó mới có quyết định sử dụng kháng sinh. Nếu sốt cao quá mà không có cách nào hạ sốt thì phải xin nhập viện để xử lý.

3. Đang dùng thuốc chống đông (bệnh van tim, sau đột quỵ nhồi máu, đặt stent...) hoặc thuốc kháng viêm (bệnh khớp, bệnh lupus, các bệnh tự miễn dịch...), SpO2 vẫn trên 95% thì có phải ngừng các thuốc đang sử dụng không?

Không. Nếu vẫn đang phải sử dụng kháng đông hoặc kháng viêm corticoid từ trước thì bây giờ vẫn tiếp tục sử dụng, kể cả khi SpO2 trên 95%. Trong trường hợp SpO2 giảm xuống dưới 95%, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết liều dùng phù hợp. Với các thuốc nhóm khác (ngoài kháng đông, kháng viêm corticoid) để trị bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh khớp... thì vẫn tiếp tục sử dụng.

4. Tôi được chỉ định dùng kháng đông và kháng viêm, nhưng hiện xét nghiệm PCR âm tính rồi, có ngừng kháng viêm, kháng đông không?

Không. Thuốc kháng đông và kháng viêm coticoid không phải để tiêu diệt virus, mà là để phòng và điều trị tình trạng rối loạn đông máu, rối loạn đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Dù cơ thể đã hết virus, nhưng nguy cơ rối loạn đông máu, rối loạn đáp ứng miễn dịch vẫn còn, do vậy cần tiếp tục dùng kháng đông/kháng viêm theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Rối loạn đông máu hậu Covid-19 cũng là vấn đề đáng quan tâm, có thể tham khảo hướng dẫn của bác sĩ để dùng kháng đông liều thấp dự phòng tắc mạch trong vòng 12 tháng.

5. Tôi xét nghiệm PCR âm tính rồi, nhưng sau 3 hôm xét nghiệm PCR lại dương. Có phải tái nhiễm không?

Không. Tình trạng tái nhiễm là có, tuy nhiên rất hiếm khi nó xảy ra ngay sau khi bệnh nhân khỏi. Kết quả xét nghiệm PCR âm tính có thể do lấy mẫu chưa đúng, do cơ thể chưa hết hẳn virus (mới chỉ hết ở dịch tỵ hầu) nhưng đề kháng kém nên virus tiếp tục nhân lên. Có nhiều người dù không có triệu chứng gì đặc biệt, nhưng 15-20 ngày virus vẫn chưa hết hẳn. Với các trường hợp này, cần ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi tốt hơn để sớm có kết quả âm tính.

6. Tôi và người nhà bị lây nhiễm nhau cùng lúc. Tôi âm tính trước thì có chăm sóc người nhà tôi được không?

Được. Nếu đã âm tính thì nguy cơ bị nhiễm trở lại chính biến chủng đó là rất thấp. Tuy nhiên, vấn đề là kết quả xét nghiệm của bạn đã chính xác chưa. Dù xét nghiệm PCR rất nhạy nhưng vẫn có âm tính giả. Hơn nữa, dù PCR âm tính thật, nghĩa là dịch tỵ hầu không còn virus, nhưng có thể virus vẫn còn trong cơ thể. Do vậy, vẫn cần tập luyện nhẹ, ăn uống tốt, đeo khẩu trang đúng chuẩn khi tiếp xúc gần với người nhà.

7. Người nhà tôi hết sốt, xét nghiệm âm tính nhưng vẫn ho kéo dài không đỡ, phải làm sao?

Ho là phản ứng bảo vệ, nhằm tống khứ các tác nhân có hại ra khỏi cơ thể. Nhưng nếu ho quá nhiều thì ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của bệnh nhân. Cách điều trị là dùng chanh mật ong, bổ phế, chống dị ứng, long đờm, giảm ho thảo dược. Nếu vẫn kéo dài tình trạng ho thì cần xét nghiệm để loại trừ tình trạng nhiễm nấm đường hô hấp, kiểm tra xem có nhiễm khuẩn không để dùng kháng sinh. Cần kết hợp các bài tập thở, tập khạc đờm để giúp giảm các tác nhân kích thích đường thở.

8. Tôi khỏi Covid-19 rồi nhưng người mệt, sức yếu, thường xuyên thấy lạnh, không làm được việc gì. Cần phải làm sao?

Đây là các dấu hiệu của tình trạng rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid-19, nguyên nhân có thể do tình trạng viêm lan tỏa toàn thân do Covid, do rối loạn đông máu hậu Covid, do lo lắng căng thẳng. Cách xử trí là tập luyện thể dục nhẹ nhàng như đều đặn, ăn các đồ ấm nóng, dùng các thảo dược có tác dụng hoạt huyết, an thần... Thông thường sau 4-6 tuần thì các triệu chứng sẽ đỡ dần. Nếu không đỡ, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 5.098
0 Bình luận
Sắp xếp theo