7 nhóm quyết sách vừa được Quốc hội thông qua

7 quyết sách mới được Quốc hội thông qua ngày 17/11

Mới đây tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (diễn ra từ 20/10 đến 17/11), Quốc hội đã thông qua 7 nhóm quyết sách quan trọng. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng theo dõi.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (diễn ra từ 20/10 đến 17/11) vừa thông qua 7 luật gồm: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Luật Thỏa thuận quốc tế.

Một trong những chính sách nổi bật của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là: Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay

Đơn vị thu gom có quyền từ chối nếu rác chưa được phân loại tại hộ gia đình, và không dùng bao bì đúng quy định; thông báo đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

Theo Luật, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác được tính toán dựa trên pháp luật về giá; khối lượng hoặc thể tích rác đã được phân loại. Rác có khả năng tái sử dụng và rác thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình nếu phân loại đúng quy định thì không phải chi trả phí.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác sinh hoạt; kỹ thuật phân loại rác... UBND cấp tỉnh quy định giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt; quy định hình thức thu phí. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022. Các quy định về thu phí xử lý rác sinh hoạt được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024.

Luật Cư trú (sửa đổi) quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, việc quản lý thường trú, tạm trú từ phương thức thủ công như lâu nay sẽ được thay bằng công nghệ thông tin. Cơ quan chức năng sử dụng mã số định danh cá nhân của người dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Luật này có hiệu lực từ giữa năm 2021, song sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ có giá trị đến hết năm 2022.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói việc kéo dài hiệu lực của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đến năm 2022 nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính trong trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa xây dựng xong, gây phiền phức cho người dân; đồng thời, tránh tạo áp lực lớn cho cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) bỏ quy định "Người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới". Việc bỏ quy định này giúp người lao động giảm thiểu chi phí tiền dịch vụ khi đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, Luật quy định trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ, thì doanh nghiệp môi giới chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ đã thỏa thuận.

Luật có hiệu lực từ 1/1/2022.

Luật Biên phòng Việt Nam quy định lực lượng Biên phòng có nhiệm vụ xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ hệ thống mốc quốc giới; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang...

Các cơ quan, tổ chức, công dân có trách nhiệm tham gia, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng hoàn thành nhiệm vụ. "Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu", Luật nêu rõ.

Khi xảy ra tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, dịch bệnh lan truyền... thì các hoạt động ở vành đai biên giới, cửa khẩu, lối mở đất liền có thể bị hạn chế hoặc tạm dừng. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định mức phạt tiền tối đa với các cá nhân lên đến một tỷ đồng nếu vi phạm quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ; năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; thủy sản.

Luật cũng quy định phạt tối đa 500 triệu đồng nếu vi phạm ở lĩnh vực xây dựng; lâm nghiệp; đất đai; kinh doanh bất động sản. Mức phạt 250 triệu đồng áp dụng với lĩnh vực điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thủy lợi; sở hữu trí tuệ; báo chí.

Mức phạt 200 triệu đồng áp dụng với lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mức phạt 150 triệu đồng áp dụng với lĩnh vực quản lý giá; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý, phát triển nhà và công sở; đấu thầu; đầu tư.

Luật không bổ sung biện pháp cưỡng chế "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước" như đề xuất trong các dự thảo trước đây. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), quy định người nhiễm HIV phải thông báo kịp thời kết quả xét nghiệm cho vợ, chồng, người dự định kết hôn, người chung sống như vợ chồng.

Kết quả xét nghiệm HIV dương tính được thông báo cho người được xét nghiệm; vợ hoặc chồng; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được xét nghiệm dưới 18 tuổi, mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức...

Kết quả xét nghiệm HIV còn được thông báo đến người trực tiếp tư vấn cho người nhiễm; người đứng đầu, điều dưỡng viên của cơ sở y tế có người nhiễm điều trị; nhân viên y tế chăm sóc người nhiễm...

Người được cấp miễn phí thuốc kháng HIV gồm người bị phơi nhiễm với HIV, nhiễm HIV do tham gia cứu nạn; người nhiễm HIV tại cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội và nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.

Luật Thỏa thuận quốc tế, quy định Chủ tịch nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước; Thủ tướng quyết định ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ.

Đồng thời, Luật cho phép UBND cấp xã ở khu vực biên giới được ký thỏa thuận quốc tế trong một số lĩnh vực gồm giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Luật giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm về việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân dân UBND cấp xã ở khu vực biên giới.

Bộ Ngoại giao sẽ nghiên cứu, xây dựng cẩm nang, mẫu ký kết thỏa thuận quốc tế nhân dân UBND cấp xã ở khu vực biên giới.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại, cho biết theo thống kê đến tháng 10/2020, cả nước có 428 xã ở khu vực biên giới trên đất liền. UBND cấp xã ở khu vực này đã ký 67 văn bản với các xã bên kia biên giới, trong đó có 63 thỏa thuận quốc tế với Lào; 4 với Trung Quốc.

Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 45
0 Bình luận
Sắp xếp theo