10 việc F0 cần làm khi cách ly tại nhà

Mới đây Sở y tế thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn 8728/SYT-NVY TP.HCM 2021 về việc Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0. Trong đó có nêu rõ 10 việc F0 cần làm khi cách ly tại nhà. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng theo dõi.

F0 cần làm gì khi tự cách ly tại nhà

Theo đó, tại Hoạt động 2. Hướng dẫn F0 tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà của Công văn 8728/SYT-NVY TP.HCM 2021 có nêu rõ những điều bệnh nhân F0 cần làm khi tự cách ly tại nhà như sau:

a) Không bi quan, giữ tâm lý luôn thoải mái. Khi gặp khó khăn, liên hệ nhân viên y tế để được tư vấn từ xa.

b) Tự theo dõi sức khỏe: Đo thân nhiệt, đếm nhịp thở, đo SpO2 (nếu đo được) ít nhất hai lần một ngày, hoặc khi cảm thấy mệt, khó thở.

c) Mang khẩu trang liên tục, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên.

d) Rửa mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

e) Thường xuyên tập thở, vận động nâng cao sức khỏe.

f) Uống đủ nước hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy. Không bỏ bữa, tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường trái cây tươi, rau xanh.

g) Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 01 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Y tế HCM” hoặc qua phiếu tự theo dõi sức khỏe.

h) Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm; thường xuyên làm vệ sinh các bề mặt, vật dụng, nhà vệ sinh.

i) Thường xuyên sát khuẩn tay; khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo... Phân loại chất thải đúng quy định.

j) Có số điện thoại của nhân viên y tế Cơ sở đang quản lý người nhiễm COVID- 19 tại nhà để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ; tổng đài “1022" hoặc Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện.

Dấu hiệu bất thường F0 tại nhà cần liên hệ y tế

Theo Hướng dẫn tạm thời về quản lý bệnh nhân Covid-19 (F0) tại nhà do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 2/12, F0 cách ly tại nhà khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải báo cáo ngay với cán bộ được phân công theo dõi, giám sát để được xử trí và chuyển viện kịp thời.

Đầu tiên là dấu hiệu khó thở, thở hụt hơi, hoặc trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

Đếm nhịp thở nhanh. Người lớn nhịp thở từ 21 lần trở lên mỗi phút; Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi, nhịp thở từ 40 lần trở lên một phút; Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhịp thở bằng hoặc lớn hơn 30 lần một phút; thì cần liên hệ y tế ngay. Lưu ý, với trẻ em, đếm đủ nhịp thở trong một phút khi trẻ nằm yên không khóc.

Đo chỉ số SpO2 (nếu có thể đo) ≤ 95%. Khi phát hiện bất thường này, đo lại lần hai sau 30 giây đến một phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.

Kiểm tra mạch nhanh, lớn hơn 120 nhịp một phút hoặc dưới 50 lần một phút - dấu hiệu xấu.

Huyết áp thấp - Chỉ số huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).

Tình trạng đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

Dấu hiệu nguy hiểm nữa là thay đổi ý thức. F0 cảm thấy lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

F0 bị tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

Dấu hiệu trở nặng ở trẻ em là không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn. Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống như: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...

Người nhiễm Covid-19 mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng... là phải báo y tế ngay.

Cuối cùng, bất kỳ tình trạng bất ổn nào của F0 đều cần báo cơ sở y tế.

Về chế độ ăn uống, sinh hoạt, F0 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ, phù hợp với tình trạng sức khỏe; tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống; không bỏ bữa; tăng cương dinh dưỡng bằng cách ăn đầy đủ chất, trái cây, hoa quả...; suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

Về điều trị, F0 là người lớn sốt trên 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều, uống mỗi lần một viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g, lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên; Uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.

Trẻ em sốt trên 38,5 độ C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần.

Sau khi dùng thuốc hạ sốt hai lần mà không bớt thì phải thông báo ngay y tế cơ sở để xử lý.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 2.374
0 Bình luận
Sắp xếp theo